Sách giáo khoa - vấn đề cũ, nỗi lo mới: Vẫn phải khổ to, giấy đẹp?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong khi các ngành đều hướng đến số hóa thì dường như SGK vẫn bảo thủ với bản giấy truyền thống để bán cho phụ huynh, học sinh.

Năm 2020, 2021, dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam cũng đúng thời điểm thay SGK theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới (Chương trình Giáo dục 2018). Để phục vụ việc dạy và học, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các nhà xuất bản (NXB) cung cấp bản mềm SGK để giáo viên, học sinh có tài liệu học tập, giảng dạy.

Năm nay, việc học tập trở lại bình thường, thời gian qua, phụ huynh, học sinh chạy đôn đáo khắp các nơi để tìm mua SGK nhưng không thấy NXB nào có ý định cung cấp bản mềm.

Để hỗ trợ phụ huynh và học sinh mua SGK, NXB Giáo dục Việt Nam thiết lập đường dây nóng hằng ngày trong khoảng thời gian từ ngày 15/6 - 15/9, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ. Còn công ty cổ phần Đầu tư xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam thì gửi đến các cơ sở giáo dục cùng các phòng giáo dục tại TPHCM số điện thoại của cá nhân phụ trách từng địa chỉ phát hành bộ SGK Cánh Diều để hỗ trợ phụ huynh và học sinh mua sách. Trong khi đó, một số nước trên thế giới đã thực hiện số hóa SGK để phục vụ miễn phí cho học sinh học tập.

Chị Nguyễn Thanh Huyền đang làm nghiên cứu sinh tại Mỹ cho hay, con chị năm nay học lớp 1 đến lớp chỉ mang chai nước và 1 kẹp giấy để giáo viên gửi tài liệu thì kẹp vào đó. Toàn bộ học liệu của con đều ở trường, phụ huynh không phải lo mua SGK hay tài liệu tham khảo.

Tìm hiểu thêm tại Mỹ, chương trình SGK đồng bộ và theo một tiêu chuẩn chung về nội dung học. Từ các tiêu chuẩn chung này, các NXB xây dựng bộ sách để phục vụ cho học sinh lớp 1 đến 12 và sinh viên ĐH. Chính phủ Mỹ cung cấp sách miễn phí cho học sinh từ lớp 1 đến 12 trong hệ thống trường công lập. Sách này được dùng dài hạn, NXB chỉ thay đổi sách khi cần bổ sung kiến thức trên nền tảng sách cũ dựa theo tình hình phát triển xã hội và khoa học kĩ thuật.

Không những thế, hiện nay có một số NXB dùng ấn bản trực tuyến tạo thuận tiện cho học sinh không phải mang nhiều sách nặng trong túi vì những sách về Khoa học, Toán, Lịch sử của Mỹ thường nặng khoảng 1 - 1,5 kg. Ấn bản trực tuyến cũng giúp cho học sinh tương tác với các nguồn tham vấn khác nhau nhanh hơn, và sử dụng sách bất cứ khi nào.

Sách dùng cho học sinh và giáo viên không phải là bắt buộc. Các nhà trường phổ thông thường có chương trình riêng của mình đã được biên soạn kĩ và yêu cầu giáo viên sử dụng.

Sách giáo khoa - vấn đề cũ, nỗi lo mới: Vẫn phải khổ to, giấy đẹp? ảnh 1

Chưa có phương án thay thế SGK bản cứng Ảnh: Nghiêm Huê

Bắt buộc mua SGK bản cứng

Ở Việt Nam, từ năm 2011, Ban chỉ đạo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đã đặt ra vấn đề số hóa SGK ngoại ngữ. Vừa qua, giải thích cho việc kê khai giá SGK mới cao so với sách hiện hành, NXB Giáo dục Việt Nam cho biết để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, SGK cần thay đổi theo hướng tăng cường kênh hình, hình ảnh hóa nội dung...

NXB này cũng cho biết với sách mới có tích hợp công nghệ 4.0, học sinh được trải nghiệm và thực hành các học liệu điện tử kèm theo, có điều kiện tương tác và trau dồi kiến thức, kĩ năng ở môi trường kĩ thuật số. Đây cũng là điểm mới của SGK biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Việc tích hợp công nghệ 4.0 để học sinh khi mua SGK giấy có thể được cấp quyền sử dụng SGK điện tử, như giải thích của đơn vị xuất bản, cũng là vấn đề rất bất cập. Vì học sinh các vùng nông thôn, miền núi không có điều kiện về mạng Internet, không có nhu cầu sử dụng thêm SGK điện tử nhưng vẫn phải mua sách giấy giá cao. Còn học sinh vùng thuận lợi có điều kiện, muốn có SGK điện tử vẫn phải mua SGK bản cứng. Việc này cũng cần Bộ GD&ĐT có quan điểm rõ ràng.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trong giám sát cách đây 3 năm cũng nêu băn khoăn về giá SGK cao và cơ quan quản lí thừa nhận giá cao. Sau đó Ủy ban đã có báo cáo giám sát gửi các cơ quan, bộ ngành và đã thúc đẩy Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính có đề xuất tăng cường quản lí giá SGK. Tuy nhiên, việc chỉnh sửa các quy định về quản lý giá SGK hơi lâu và đến nay vẫn chưa có quy định mới.

Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ thông Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) khẳng định giá là yếu tố đặc trưng, điển hình của hàng hóa và vì thế giá SGK có vai trò đặc biệt trong thị trường hàng hóa.

Thị trường SGK ở Việt Nam có đặc điểm là nhiều người mua (hàng chục triệu học sinh và phụ huynh) nhưng lại ít người bán; việc mua và bán không độc lập nhau, phải phụ thuộc nhau, tức người mua phụ thuộc người bán.

Ngoài ra người mua và người bán đều không có đầy đủ thông tin về thị trường nhất là về giá cả. Do đó, Nhà nước đã xác định đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh.

“Tuy nhiên, trong 3 năm vừa qua thị trường hàng hóa SGK trong đó có khâu giá SGK ở nước ta có rất nhiều vấn đề, nhiều tiêu cực nảy sinh nếu không nói là thị trường bị rối loạn và không tuân theo quy luật của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”, ông Đặng Tự Ân nhận định.

Cuối tháng 6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp về các vấn đề liên quan đến SGK. Tại đây, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp; tổ chức diễn đàn, hội thảo để làm rõ một số vấn đề quan trọng liên quan đến SGK mới trên tinh thần công khai, cởi mở, giữ vững định hướng của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đồng thời tiếp thu xu thế của thế giới, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Cùng với việc tham khảo kinh nghiệm của các nước và thực tiễn triển khai ở Việt Nam, các ý kiến, tham luận tại hội thảo, diễn đàn cần làm rõ một số vấn đề như dự kiến số lượng các bộ SGK ở Việt Nam trong thời gian tới; tính ổn định của nội dung, khả năng sử dụng lại nhiều lần của các bộ SGK sau khi hoàn thành lộ trình đổi mới, tiến tới thực hiện số hóa, triển khai SGK điện tử trong tương lai.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.