Sách giáo khoa: Mua tiền triệu, bán đồng nát

Sách bài tập Toán, Tiếng Việt lớp 2 có phần làm bài tập ngay trong sách.
Sách bài tập Toán, Tiếng Việt lớp 2 có phần làm bài tập ngay trong sách.
TP - Nhiều phụ huynh cho rằng, đầu năm học phải bỏ ra rất nhiều tiền để mua trọn bộ sách giáo khoa (SGK) nhưng cuối năm bán đồng nát mỗi kg 2.000 đồng là rất lãng phí. Bởi những quyển sách bài tập này sau khi dùng chỉ có thể bỏ đi, học sinh lớp dưới không dùng lại được.

SGK cũ, về đâu?

Có hai con đang theo học bậc THPT, năm nào chị Đàm Thu Hương, ở TP Hà Giang cũng chi gần 1 triệu đồng để mua trọn 2 bộ SGK và các dạng sách bài tập, sách nâng cao. Tuy nhiên, theo chị Hương, điều oái oăm là cứ mỗi độ hè về, kết thúc năm học, chị không biết xử lý thế nào với đống SGK của hai con để lại. “Để thì chật giá sách của con, bán đồng nát thì tiếc vì thế chị thường cho một bà đầu ngõ dùng để gói xôi”, chị Hương nói.

Cũng như vậy, năm nay chị Hương cho biết, chỉ mua riêng bộ SGK cho con vào học lớp 5 khoảng 26-27 quyển có giá 340.000 đồng. Chưa kể, tiền mua các loại sách nâng cao, sách tham khảo hết hơn 500.000 đồng. Theo chị Hương, bản thân không tiếc tiền mua sách cho con nhưng thấy lãng phí và bất cập ở chỗ, có tới hàng chục quyển sách trong số đó có in luôn bài tập để học sinh điền vào. Vì vậy, dù năm tới gia đình muốn cho các cháu lớp dưới có hoàn cảnh khó khăn cũng không cho được, vì con đã làm bài tập vào ngay trong các cuốn sách đó.

Chị Hương chia sẻ: “vẫn thích phương pháp học như ngày xưa, mỗi học sinh chỉ có ít cuốn sách giáo khoa cơ bản, bài tập các con nên làm trong vở riêng để cuối mỗi năm học, có thể mang sách ủng hộ học sinh nghèo vùng cao. Như thế, sẽ dạy học sinh ý thức tiết kiệm”, chị Hương nói.

Chị Nguyễn Lan Anh, có con năm nay học lớp 2, Trường tiểu học Đặng Trần Côn, Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, đầu năm chị cũng mua trọn bộ SGK mới cho con. Chị Lan Anh lý giải, năm nào chị cũng mua trọn bộ sách mới, một phần tâm lý cũng muốn giành điều tốt nhất cho con nên không muốn con dùng lại sách cũ. Ngoài ra, SGK cũ của anh lớp trên không giữ gìn nên nhiều vết mực, rách bìa. Riêng các sách bài tập Tiếng Việt, Toán các con đã điền kết quả trong đó nên không thể sử dụng.

Anh Minh Quang, ở quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ tình trạng cực chẳng đã khi phải dành một phòng riêng để làm kho chứa sách cho 2 con. Bởi sau mỗi năm học, con anh loại ra hàng chục quyển sách nhưng không biết cho ai, bán đồng nát lại tiếc vì thế gia đình anh đóng thùng cất kho.

In sách liên tục là lãng phí!

GS Đào Trọng Thi, nguyên chủ nhiệm UBVH, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, SGK hàng năm cơ bản không có nhiều thay đổi. Bởi nếu tái bản, thay đổi 1 chữ trong SGK phải qua nhiều khâu phức tạp như: thông báo tới tác giả và được đồng ý, thông qua hội đồng thẩm định,  có quyết định cơ quan quản lý cho phép. Vì thế, nếu có chỉnh sửa nhỏ, học sinh năm sau vẫn có thể sử dụng SGK năm trước. Trên thực tế, nhà trường cũng không yêu cầu học sinh phải sử dụng sách mới nhưng vì tiện ích, phụ huynh vẫn chấp nhận để mua cho con. Vì vậy, việc phụ huynh không tìm ra người để cho sách hoặc ngược lại, đi xin sách cũ là có thật.

Tuy nhiên, theo GS, ngoài việc một số sách in luôn bài tập cho học sinh làm trong đó khiến sách không thể học lại thì ngày nay có nhiều lý do để người dân ngại sử dụng lại SGK. Ví như, có ít con, con cách xa nhau, học sinh không có ý thức gìn giữ sách…

Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT lại cho rằng, thời trước, thế hệ như ông đi học, không có nhiều sách mới. Đa số học sinh học lại sách cũ của anh chị lớp trước, học đến khi quyển sách rách nát thì thôi. Nếu có tái bản, thông tin sẽ được đính chính dưới chân trang. Như vậy, học sinh có ý thức giữ gìn SGK khi học, đồng thời tiết kiệm được tiền của cho gia đình, xã hội.

Cũng theo ông Nhĩ, mỗi lớp hiện nay có mười mấy môn học, đi kèm theo đó là SGK, sách bài tập, sách nâng cao, tài liệu… Mỗi học sinh đi học phải mua hàng chục cuốn sách. “Nếu cứ in mới, mỗi năm Nhà xuất bản bán ra một khối lượng sách khổng lồ và sau đó nhiều học sinh phải bỏ đa số sách này đi là hết sức lãng phí”, ông nói.

Ông Nhĩ cũng cho rằng, đa số phụ huynh ngày nay có ít con nên muốn mua SGK mới tuy nhiên, phần này chỉ thuộc về những phụ huynh có điều kiện kinh tế, còn lại đa số học sinh nông thôn, miền núi khó khăn vẫn rất cần được “cho sách”. “Việc Nhà xuất bản phát hành sách có luôn bài tập trong đó, chỉ để sử dụng một lần là rất lãng phí. Bộ GD&ĐT nên có kế hoạch hàng năm, chỉ cho phép in một số % SGK bổ sung nhất định”, ông Nhĩ nói.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay cần tạo cho học sinh ý thức giữ gìn, tiết kiệm, việc dùng lại SGK là điều bình thường. Vì thế, Nhà xuất bản cũng có trách nhiệm trong việc có kế hoạch in ấn chất liệu giấy dày, dai, tốt để không dễ rách.

SGK và vở bài tập phải thực hiện tách rời nội dung để SGK có thể sử dụng trong nhiều năm. Thậm chí gây dựng phong trào tiết kiệm, dùng lại SGK cũ và in luôn câu “giữ gìn sách giáo khoa” ngay trên bìa sách. Nhà trường, giáo viên phải khuyến khích học sinh giữ gìn sách khi học, khuyến khích học sinh dùng lại sách cũ.

“Nếu cứ in mới, mỗi năm Nhà xuất bản bán ra một khối lượng sách khổng lồ và sau đó nhiều học sinh phải bỏ đi là hết sức lãng phí”.

 Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ÐT Trần Xuân Nhĩ 

MỚI - NÓNG
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
TPO - Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, trong 48 giờ qua, hầu hết các kho vũ khí chiến lược ở Syria đã bị tấn công. Hoạt động này được thực hiện nhằm ngăn chặn khả năng vũ khí của Syria rơi vào tay lực lượng đối lập và khủng bố sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.