Sách cấm

Sách cấm
TP - Anh bạn là biên tập viên nhà xuất bản than thở, rằng gần nửa tháng nay rất mệt vì những cuộc điện thoại hỏi về “Một cơn gió bụi” và “Mối chúa”. Vì ai cũng nghĩ ông cũng làm ở “nhà” ấy, lại quen biết tác giả, nên dễ hỏi, xin hoặc mua giùm. Không được, họ bèn giận dỗi. Mấy ngày nay thì gọi trở ngược kiểu chơi khăm: “Cuốn ấy ông có chưa, cần bao nhiêu tôi gửi cho…!”.

Quả thật, như cuốn “Mối chúa” vừa bị cấm cách đây hơn chục ngày, chỉ thấy khan hàng có mấy ngày đầu. Còn giờ đã thấy nhan nhản. Nhiều người dễ dàng mua một lúc vài chục cuốn để chia sẻ cho bạn bè ở xa. Với giá nghe nói gấp 2-3 lần giá bìa. Chưa thấy cơ quan chức năng tìm hiểu xem là sách gốc hay in lậu?!

Tiến sĩ Tịnh Thy ở ĐHSP Huế vừa có bài dịch bàn về sách cấm ở Trung Quốc. Tác giả là Diêm Liên Khoa, nhà văn của “nhiều sách cấm nhất” Trung Quốc hiện nay. Cây bút được cho là có hy vọng đạt giải Nobel văn học nhất sau Mạc Ngôn này nói chẳng hề thấy danh giá gì với danh hiệu “kỷ lục gia” sách cấm! Khi ra nước ngoài, truyền thông phương Tây có thể sẽ chú ý hơn đến những tác giả có tác phẩm bị cấm đoán, cắt xóa, tranh cãi trong nước. Tuy nhiên, nói như nhà văn họ Diêm, “không thể xem đó là thước đo và tiêu chuẩn về thành tựu nghệ thuật cho một tác phẩm xuất sắc”.

Thế nhưng mặc kệ, nhà văn nhiều người cứ mong sách mình bị…cấm. Còn người đời, quanh năm trong nhà không có quyển sách. Thế nhưng hễ nghe có sách cấm, lại đổ xô săn tìm cho bằng được. Ở xứ Trung hoa, như thừa nhận của Diêm Liên Khoa, mấy năm trước từng có nhà văn hối lộ nhà xuất bản tới 100 ngàn nhân dân tệ để sách của mình “được cấm, được chỉ trích” ! Còn ở xứ ta, như một bài báo viết từ năm 1928 của tác giả “Tình già” nổi tiếng Phan Khôi: “Thiên hạ họ mua sách cấm mắc tiền lắm, thường giá mắc gấp đôi lúc chưa cấm, lâu ngày, rồi đến gấp mười gấp trăm. Tức như dân An Nam là dân không ham đọc sách, hay tiếc tiền, mà đến sách cấm thì cũng trằn trọc trằn xa mua cho được”.

Mua cho bằng được, như bây giờ nhiều khi cũng chỉ để úp ảnh lên phây, rồi quẳng đó.

Ở phương Tây xưa nay cũng có vô số sách cấm. Đa phần lệnh cấm hoặc hạn chế lưu hành đến từ một số quốc gia, vùng lãnh thổ có quan điểm chính trị, tôn giáo, văn hóa khác nhau, trong những giai đoạn nhất định. Nhưng nay điểm lại, thấy hầu hết đó đều là những di sản của nền văn hóa đọc của nhân loại. Bởi tính tư tưởng lớn lao, nhiều lúc vượt qua giới hạn bình thường. Bởi sự lạ lẫm mới mẻ của ngôn ngữ, hình tượng nghệ thuật, gần như phạm đến ranh giới ngoài “chuẩn mực” vốn được mặc định của loài người .

Còn hầu hết những cuốn sách văn học ở ta bị “cấm” gần đây, sự nhạt nhẽo về tính nghệ thuật cũng nhanh chóng trôi tuột theo chữ “cấm”.  

MỚI - NÓNG