Sá sùng thuộc ngành giun đốt chỉ sống ở những bãi cát ven biển nơi thủy triều lên, xuống tạo ra những doi cát. Chúng có hình dạng na ná như một con giun khổng lồ đầy màu sắc, trong những hang đá, khe cát ở tận dưới đáy biển sâu từ 10 - 30 m. Khi còn tươi, sá sùng có độ dài khoảng 5 đến 10 cm, cá biệt có con dài đến 15–40 cm, đường kính 20 cm, nặng từ 1 đến 3 kg. Khi bị bắt lên khỏi mặt biển, chúng thu mình lại, tròn như một quả bóng, miệng bé như lỗ van bơm hơi. Da thay đổi màu sắc tùy theo môi trường nó ở, dùng tay sờ vào thấy mềm và mát. Ruột sá sùng giống như ruột giun, chỉ một đường ống từ đầu đến cuối, không có tim, gan, phổi.
Sá sùng là một trong những hải sản quý hiếm. Từ thời xưa, chúng được khai thác để làm cống vật cho vua, quan. Chỉ có những người giàu có mới đủ điều kiện sử dụng.
Người ta đã phân tích thành phần dinh dưỡng trong sá sùng có nhiều axit amin, glyxin, alanin, glutamin, succinic... và nhiều taurin, khoáng chất. Trong sá sùng khô thấy chứa acid amin tự do 10,3%, trong đó acid amin có vị ngọt như glycin 3,2%, alanin 2,5%, glutamin 0,25%, succinic 0,35%... là chất tạo nên hương vị thơm ngọt của loài hải sản này. Trong sá sùng còn giàu taurin 3,2%, chất khoáng 1,2%, nên ngay từ xa xưa, loại hải sản này đã được mệnh danh là địa sâm. Còn gần đây, theo kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh cho thấy, sá sùng là loại giàu dinh dưỡng với lượng đạm khá cao, chứa nhiều acid amin quý và nhiều khoáng chất, cụ thể có tới 17 nguyên tố khoáng và 18 loại acid amin với 8 loại không thể thay thế phải dung nạp từ thực phẩm...
Do đặc tính trên, sá sùng là loài hải sản có giá trị kinh tế rất cao, 1 kg sá sùng khô thường có giá trị tương đương cả chỉ vàng.
Sá sùng tươi có thể nấu được nhiều món như canh bầu, bí, rau củ hoặc đem xào đều được nhưng sá sùng khô mới là món được ưa chuộng hơn cả vì có thể bảo quản lâu. Nhiều người mua trữ sá sùng khô để thay thế mì chính.
Ngoài ra, sá sùng còn được sử dụng cả lúc còn tươi (nấu canh, xáo) hay khô (rang). Trong món phở truyền thống của Hà Nội và Nam Định, để làm ngọt nước dùng, ngoài ninh xương bò, để món ăn ngọt ngon đậm vị người ta còn cho thêm sá sùng hoặc tôm nõn.
Một số món ngon từ sá sùng:
Sá sùng xào su hào
Nguyên liệu: Sá sùng 1kg, su hào 1 củ, cà rốt 1 củ, cần tây, tỏi tây, mùi, hạt nêm, mỳ chính, tiêu bắc.
Phi thơm hành mỡ, cho sá sùng vào xào. Khoảng 3 phút thì cho ra đĩa. Cho hỗn hợp su hào, cà rốt vào xào, nêm gia vị cho vừa ăn. Khi su hào, cà rốt vừa chín, cho sá sùng đã xào vào đảo đều. Sau đó cho rau thơm vào trộn đều là được. Khi chín sá sùng có vị giòn, ngọt, su hào cà rốt vẫn giữ được vị giòn ngon là được.
Sá sùng tươi nấu canh lá lốt
Nguyên liệu: Sá sùng tươi 300g; tỏi, hành khô, cà chua, lá lốt, hành tươi, mùi; gia vị (mắm, muối, mì chính)
Cách làm: Làm sạch sá sùng như cách làm ở món trên. Bóc tỏi, hành khô. Cà chua rửa sạch, thái múi cau. Lá lốt rửa sạch, thái nhỏ vừa ăn.
Bắc nồi, bật lửa to và cho tỏi và hành khô vào. Bạn phi tỏi và hành khô cho vàng. Bạn cho sá sùng vào đảo qua, nêm một chút nước mắm và hạt nêm vào sá sùng rồi cho ra bát to. Sau đó, phi hành khô, sau đó cho cà chua vào nồi đó xào. Tiếp theo, bạn cho nước vào để tới khi sôi, nêm mắm muối cho vừa. Bạn lưu ý là sá sùng đã được thêm mắm và hạt nêm ở trên nên bạn sẽ cần cho vừa mắm muối để tránh bị mặn. Bước tiếp theo, bạn thả lá lốt vào nồi. Cuối cùng, bạn cho sá sùng vào. Khi đó, sá sùng sẽ giòn và ngọt. Tắt bếp, cho mì chính vào cho vừa ăn và thưởng thức.