Rút tiền hay quẹt thẻ?

Rút tiền hay quẹt thẻ?
Có nhiều ý kiến phản đối việc thu phí ATM, nhưng còn ít người nhắc đến một vấn đề cốt lõi là các ngân hàng đang đi ngược lại với mục tiêu điện tử hoá các giao dịch thanh toán.
Rút tiền hay quẹt thẻ? ảnh 1
Đến nay, đã có 39 tổ chức phát hành thẻ với mạng lưới khoảng 6.200 máy ATM, trên 22.000 điểm chấp nhận thẻ và đã phát hành được trên 12 triệu thẻ - Ảnh: Việt Tuấn.

Các ngân hàng đang đầu tư rất nhiều tiền vào máy ATM, với mục tiêu là ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động ngân hàng, nhưng vô hình chung việc này lại càng ủng hộ thói quen sử dụng tiền mặt của người dân.

Bởi, càng nhiều máy ATM đặt tại các trung tâm thương mại, người dùng càng dễ dàng rút tiền mặt để thanh toán khi mua hàng. Cả người mua và người bán đều có thể giao dịch bằng tiền mặt qua cái kho tiền dự trữ được đặt khắp mọi nơi là máy ATM.

Nhưng để minh bạch hóa thanh toán, chúng ta phải xúc tiến điện tử hoá các giao dịch, chứ không phải là làm cho người dân thuận tiện hơn trong thanh toán tiền mặt.

Muốn vậy, thay vì việc mở rộng hệ thống ATM, rất tốn kém, các ngân hàng nên mở rộng hệ thống POS, là các máy chấp nhận thanh toán bằng thẻ, cả ATM và thẻ tín dụng.

Nếu người dân dễ dàng rút thẻ, quẹt vào máy POS để thanh toán, tại khắp mọi nơi... thì chắc chắn người ta chỉ cần giữ một ít tiền mặt trong túi để... gửi xe hoặc uống nước ven đường mà thôi.

Quay về bài toán chi phí, đầu tư và vận hành một máy ATM tốn chi phí gấp rất nhiều lần so với máy POS. Trong khi đó, chi phí cho máy ATM chỉ do một mình ngân hàng gánh chịu, còn máy POS thì ngân hàng và doanh nghiệp bán hàng có thể cùng hợp tác chia sẻ chi phí đầu tư và vận hành máy POS.

Khi ngân hàng đảm bảo cho hệ thống POS vận hành tốt thì sẽ dễ dàng cho người dân thanh toán khi mua sắm, ít phải dùng tới tiền mặt. Do đó, sẽ dẫn tới việc giảm chi phí đầu tư của ngân hàng vào mạng lưới máy ATM.

Theo Bùi Đức Hạnh
Vneconomy

MỚI - NÓNG