'Rút ruột' Tượng đài Điện Biên : Bị cáo quanh co chối tội

'Rút ruột' Tượng đài Điện Biên : Bị cáo quanh co chối tội
Ngày 29/3, Toà án nhân dân tỉnh Điện Biên đã mở phiên toà xét xử sơ thẩm 8 bị cáo trong vụ tham ô, “rút ruột” Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ với các nhóm tội danh: tham ô tài sản, đưa - nhận hối lộ, cố ý làm trái và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng.
'Rút ruột' Tượng đài Điện Biên : Bị cáo quanh co chối tội ảnh 1
Tượng đài Điện Biên bị 'rút ruột'. Ảnh : Dũng Nguyên

Các bị cáo gồm: Lương Phương Các, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin Điện Biên, kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ; Lê Văn Viễn, nguyên Phó giám đốc Ban quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ; Trần Quốc Hưng, nguyên Kế toán Ban quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ; Nguyễn Văn Chính, nguyên cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ; Võ Thị Hồng, nguyên Giám đốc Công ty Mỹ Thuật Trung ương; Nguyễn Trọng Hạnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đoàn Kết; Lê Huyên, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ Thuật Hà Nội; Nguyễn Đức Sứng, nguyên Chủ nhiệm Khoa tạo dáng, Trường Đại học Mỹ Thuật Hà Nội.

Hội đồng xét xử do ông Phạm Văn Nam làm chủ toạ, bà Trần Thị Lan làm thẩm phám cùng 3 hội thẩm nhân dân... Trong phần thẩm tra lý lịch, các cá nhân, cơ quan liên quan được triệu tập đều có mặt đông đủ. Trong 10 luật sư được mời bào chữa cho các bị cáo chỉ vắng ông Phạm Hồng Hải-người bào chữa cho bị cáo Võ Thị Hồng. Bị cáo Hồng cũng là người mời nhiều người bào chữa nhất với 3 luật sư. Ông Vi Ngọc Sơn, Kiểm soát viên, Viện Kiểm sát tỉnh Điện Biên giữ quyền công tố tại phiên toà.

Chiều cùng ngày, trong phần xét hỏi, điều làm cho nhiều người đến dự cảm giác thấy “nóng” khi cả hai bị cáo Lương Phượng Các và Lê Văn Viễn đều không nhận mình cố ý làm trái các quy định của Nhà nước và tham ô tài sản.

Các bị cáo cho rằng tất cả những việc làm của mình đều có lý do như việc không kiểm tra, xác minh năng lực nhà thầu Công ty Mỹ thuật Trung ương là có cơ sở vì nếu kiểm tra cũng chẳng làm gì được vì đơn vị này đã được Bộ Văn hoá-Thông tin chỉ định, còn tỉnh thì đã gợi ý.

Về vụ việc nhận tiền của Võ Thị Hồng để “lốp- bi” cho cán bộ lãnh đạo các ban, ngành ở tỉnh Điện Biên, Lê Phương Các đã khai rằng thực tế chỉ có 50 triệu đồng mà thôi. Và việc nộp 500 triệu đồng cho cơ quan điều tra chỉ là vì Các được các điều tra viên bảo nộp đủ sẽ được về sớm nên mới nộp liều như vậy. Điều khiến cho nhiều người dự phiên toà phải suy nghĩ, nhất là việc Các khai trước toà rằng số tiền 500 triệu đồng để nộp cho cơ quan điều tra, bản thân gia đình Các phải đến vay mượn.

Về hành vi tham ô, Lương Phương Các và Lê Văn Viễn cũng khai rằng việc nhận tiền chỉ đơn thuần là do mến trọng tình cảm và thương anh em công tác mệt mỏi nên họ mới tặng mà không một đòi hỏi hay yêu cầu gì. Cũng như chuyện Võ Thị Hồng chuyển 500 triệu đồng để cảm ơn các lãnh đạo cũng là lúc gói thầu đã được chỉ định và công trình đã được hoàn thành, không có gì mờ ám đằng sau vụ việc này cả-Lương Phương Các bảo vậy...

Còn Lê Văn Viễn thì chối bỏ việc tham ô bằng lý do việc nhận 15 triệu đồng của đơn vị giám sát mình không biết mà tưởng rằng đây là món tiền Tết mà thôi. Đơn vị giám sát này, trước đó Viễn có công chọn để nhờ ký khống các giấy tờ nhằm rút tiền ra khỏi Kho bạc Nhà nước tỉnh Điện Biên. Ở một tỉnh như Điện Biên, việc Viễn bảo rằng 15 triệu đồng chỉ là ngỡ số tiền Tết.

Phiên toà xét xử vụ án tham ô, “rút ruột” Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ dự kiến sẽ diễn ra trong 4 ngày và kết thúc vào ngày 1/4.

MỚI - NÓNG