Hội Nhà văn Hà Nội:

“Rút kinh nghiệm sâu sắc” vụ Phan Huyền Thư

Hai nhân vật khiến báo chí tốn giấy mực hơn chục ngày qua.
Hai nhân vật khiến báo chí tốn giấy mực hơn chục ngày qua.
TP - Chiều qua 23/10, Hội Nhà văn Hà Nội đã gửi thông cáo chính thức về việc thu hồi giải thưởng thơ 2015 của Phan Huyền Thư, khẳng định: “Đây là bài học cho Hội Nhà văn Hà Nội rút kinh nghiệm sâu sắc để những kỳ giải thưởng sau cẩn trọng hơn, chính xác hơn”.

Tác động tiêu cực đến đời sống văn chương

Trong thông cáo dài hơn 2.000 chữ, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội (HNVHN) Phạm Xuân Nguyên nêu ba lý do thu hồi giải thưởng của Phan Huyền Thư: Có những bài thơ trong tập bị nghi “đạo thơ” với văn bản cụ thể, gây tranh cãi kịch liệt, khiến giá trị của tác phẩm cũng bị đặt nghi vấn; Từ đó gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của HNVHN và giải thưởng của Hội, gây tác động tiêu cực đến đời sống văn chương ở Hà Nội và cả nước; Cho thấy HNVHN cũng có lỗi trong việc trao giải cho tác phẩm này mà việc thu hồi giải là để tỏ rõ trách nhiệm của mình.

Qua thông cáo, được biết Sẹo độc lập của Phan Huyền Thư được Hội đồng thơ HNVHN bỏ phiếu nhất trí giới thiệu lên Hội đồng xét giải. Tại phiên họp 7/10/2015, Hội đồng xét giải bỏ số phiếu tuyệt đối (9/9), đánh giá cao về nội dung- nghệ thuật, trao giải cho tập thơ với giá trị vật chất là 15 triệu đồng.

Thông cáo không chỉ đề cập bài Bạch lộ bị nghi đạo hoàn toàn bài Buổi sáng mà còn đề cập bài Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn bị nghi đạo Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển của Du Tử Lê. Trước đó, Chủ tịch Hội Phạm Xuân Nguyên khẳng định Huyền Thư không đạo thơ của nhà thơ hải ngoại này.

Theo Chủ tịch Hội: Ngày 20/10/2015, kèm theo giải trình gửi HNVHN, Phan Huyền Thư đã mail tới Hội bản thảo vi tính bài Bạch lộ với bản gốc ban đầu mang tên Độc ẩm với bình minh viết năm 1996 và bản sửa lần thứ hai mang tên Độc ẩm cuối thu. Phan Huyền Thư cho biết gửi bài này cùng nhiều bài thơ khác dưới dạng văn bản giấy cho một nhà thơ ở Mỹ để họ dùng trên các tạp chí văn học hải ngoại.

“Đối với bản thảo vi tính, Hội thấy khó kiểm tra ngay (vì liên quan đến kỹ thuật tin học) để khẳng định chính xác thời điểm ra đời bài thơ gốc của Bạch lộ, nếu đúng có như tác giả cho biết. Đối với các bản thảo giấy gửi ra nước ngoài, Hội đã một mặt liên hệ với nhà thơ ở hải ngoại để nhờ xác minh việc này, mặt khác dùng công cụ tìm kiếm trên internet. Kết quả tìm kiếm như sau: Trên tạp chí Hợp Lưu (số 31, tháng 10&11/1996) PHT có bài thơ văn xuôi “Chôn cất búp bê”. Trên tạp chí Thơ, Phan Huyền Thư có thơ đăng trong 16/27 số (7, 8, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 20, 21, 25, 26, 27). Điều này cho thấy việc PHT gửi thơ ra hải ngoại vào những năm từ 1996 trở đi như chị nói là đúng. Nhưng bài Độc ẩm với bình minh không thấy được in ở Hợp Lưu và tạp chí Thơ, nghĩa là vẫn chưa giải trình được điều chị nói trong sự đối chiếu với bài thơ Buổi sáng để kết luận có “đạo thơ” hay không”- thông cáo viết.

Vẫn chỉ là nghi đạo thơ?

Thông cáo viết tiếp: Trong khi việc tìm hiểu, điều tra đang diễn ra thì vụ việc “nghi vấn đạo thơ” của PHT đối với PNTĐ càng trở nên sục sôi, căng thẳng trong dư luận. Đại đa số ý kiến nghiêng về khẳng định dứt khoát PHT đã mắc tội “đạo thơ”. Tình hình này gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của HNVHN và giải thưởng hàng năm của Hội. Trước những diễn biến phức tạp đó, HNVHN nhận thấy cần thiết phải sớm có biện pháp đối với giải thưởng đã trao cho dù kết luận chính thức về việc “đạo thơ” của PHT còn cần phải có thời gian tìm kiếm bằng chứng để khẳng định hoặc phủ định”.

Và tiếp: “Từ đây nếu còn những diễn biến tiếp theo HNVHN có thể sẽ vẫn có trách nhiệm tham gia cùng với nhà xuất bản, tác giả, báo chí để giải quyết vấn đề “đạo thơ” hay không đã được đặt ra từ đầu”.

“Nếu còn diễn biến”- có nghĩa là, vụ việc Buổi sáng - Bạch lộ cho đến giờ này vẫn chỉ là một nghi án đạo thơ chứ chưa phải đạo thơ? Có phải một phần vì Phan Huyền Thư trong lần xin lỗi mới nhất đối với Thường Đoan, đã không hề khẳng định mình đạo thơ mà chỉ là bài nọ viết sau bài kia?

Trên báo Tiền Phong số ra ngày 22/10, nhà văn Trần Đức Tiến phát biểu: “Nếu chị Thường Đoan không làm ra nhẽ hoặc chị Huyền Thư không nhận đạo văn thì hai Hội (Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội) phải vào cuộc khẳng định dứt khoát trước công chúng: Có đạo hay không đạo? Ai đạo của ai?

Một ủy viên BCH HNVHN cũng phát biểu với Tiền Phong: “Ngay từ đầu tôi đã nói, đây là đạo thơ trắng trợn, ai đạo ai đã rõ chứ chẳng có nghi hoặc gì cả!”.

Tổng kết vụ đạo thơ vừa qua của Phan Huyền Thư và “tiền căn” của nó - có từ gần chục năm trước, có cư dân mạng nói hóm rằng nên viết loạt gọi là “Đạo văn liệt truyện”. Nay một vụ đạo thơ lịch sử với bằng chứng rành rành cuối cùng có thể cũng chỉ đi vào lịch sử văn chương nước nhà như một nghi án. Chủ tịch hội to hơn - Hội Nhà văn VN - Hữu Thỉnh gọi trắng phớ đây là vụ đạo thơ chứ chả nghi nghiếc gì cả, nhưng lại nêu quan điểm nên giơ cao đánh khẽ, và coi vụ đạo thơ không tiền khoáng hậu (ít ra về qui mô thu hút dư luận xã hội) chỉ như một trò nghịch dại của trẻ nhỏ.

Vừa qua một ủy viên BCH Hội Nhà văn VN cũng phát biểu trên báo có ý nói HNVHN thu hồi giải chỉ vì sức ép của dư luận. Nếu đúng như vậy, cả hai hội còn nhiều việc phải làm. Vì nếu chỉ “nghi đạo thơ”, e khó xử lý hội viên của mình quá.

Trong vụ việc này, Hội Nhà văn Hà Nội có lỗi là đã trao giải cho một tác phẩm mà khi trao rồi thì làm bùng phát một cuộc khủng hoảng truyền thông có thể nói dữ dội chưa từng thấy trong đời sống văn học nước ta. Lỗi này trước hết thuộc về BCH Hội và Chủ tịch Hội. Chúng tôi nghiêm khắc nhận lỗi trước các hội viên và độc giả. Chúng tôi xin lỗi nhà thơ PNTĐ vì không chủ ý nhưng đã gây cho chị sự phiền toái, bức xúc nặng nề, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của chị.

(Trích thông cáo gửi báo giới chiều 23/10 của Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội)

MỚI - NÓNG