Rừng trong phố

Gốc hương đường kính 1 mét trong khu rừng giữa thành phố.
Gốc hương đường kính 1 mét trong khu rừng giữa thành phố.
TP - Giữa đô thị cao nguyên ồn ào, tấp nập có hàng trăm hecta rừng ngày đêm được chăm sóc bảo vệ nghiêm ngặt, như tấm áo choàng thơm mát cho phố núi xanh tươi.

Những mảng xanh quý hiếm

Ai từng đến thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột hẳn không quên quang cảnh rừng – phố đan xen. Từ năm 2003 đến nay, 7 khu rừng rộng khoảng 250 ha mang tên lâm viên cảnh phường Tân An, lâm viên Ea Kao, rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường xã Hòa Thắng, rừng thông buôn Mduk và rừng thông tổ dân phố 9 (phường Ea Tam), rừng thông Tân thành, rừng phường Khánh Xuân được Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk giao cho công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk (Cty) quản lý và chăm sóc.

Khi Cty mới tiếp nhận, những khu rừng này đang bị khai thác cạn kiệt, cỏ dại um tùm, nhiều diện tích rừng bị lấn chiếm trồng trọt, làm nhà ở. Để phục hồi rừng, phủ xanh diện tích đất trống, Cty đã thành lập Xí nghiệp lâm viên cảnh với 70 nhân viên chuyên trách. Ngoài những diện tích rừng nghèo kiệt đang tái sinh xanh tốt, Cty còn trồng mới, phủ xanh hơn 10 ha đất trống bằng những loại cây nhanh xòe tán như sao đen, dầu, thông, phi lao, xà cừ…

Từ sân bay đi vào thành phố, xe bon qua khu rừng phòng hộ bảo vệ môi trường xã Hòa Thắng với những cây cổ thụ cao chót vót. Anh Nguyễn Trọng An, đội trưởng rừng phòng hộ môi trường xã Hòa Thắng kể: Rừng phòng hộ này Cty nhận bảo vệ từ năm 2013 với diện tích hơn 71 ha.  Cây gỗ hương có đường kính hơn 1 m được đánh số quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt. Có những cây được trồng từ năm 1942 vẫn nguyên vẹn đến bây giờ. Đội ngũ bảo vệ gồm 10 người luân phiên tuần tra, canh gác 24/24. Trước kia rừng này do nhiều đơn vị quản lý, họ ký hợp đồng với người dân cho phép trồng cà phê, làm vườn ươm dưới tán rừng, nay đã hết hạn hợp đồng hơn chục năm vẫn chưa thanh lý dứt điểm. Phải cố gắng lắm mới giữ nguyên được hiện trạng rừng, không để bị lấn chiếm thêm, bởi Cty không có quyền cưỡng chế hay chế tài xử phạt!

Yêu rừng thầm lặng

Ông Hoàng Mạnh Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch Vật tư Kỹ thuật - Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk cho biết: “Việc chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng được triển khai rất bài bản. Cây rừng trồng mới được chăm bón liên tục cho đến khi phát triển. Những cây còi cọc được thay thế trồng mới ngay, cây bị sâu bệnh thì được cứu chữa, nuôi sống. “Hai năm gần đây, hàng loạt cây thông tại rừng thông Mduk bị bệnh. Để chữa trị, Cty đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Chi cục bảo vệ Thực vật, các chuyên gia đầu ngành cùng vào cuộc. Chữa khỏi bệnh để giữ tuổi cho cây mới khó, chứ phá đi trồng lại thì đơn giản!”, ông Dũng chia sẻ thêm.

Lâm viên cảnh Buôn Ma Thuột nằm giữa lòng thành phố, bên đường Hà Huy Tập, rộng hơn 50 ha. Anh Huỳnh Văn Cảnh, đội trưởng Quản lý Lâm viên cảnh cho biết: 26 người chia làm hai đội chăm sóc và tuần tra canh gác. Do rừng này nằm giữa lòng thành phố, bốn bề giáp với các khu dân cư nên đơn vị phải cắt cử lực lượng bảo vệ cả ngày lẫn đêm, nhưng vẫn xảy ra tình trạng các đối tượng trèo tường phá rào vào lâm viên để săn bắt. Qua 5 tháng thiết kế, đầu tháng 2/2016, lâm viên cảnh khai trương khu trưng bày sản phẩm tái chế. Từ những vật liệu đã qua sử dụng như lốp xe ô tô, vỏ chai nhựa, đĩa CD hỏng, gạch men vỡ…. các “nghệ nhân tay ngang” đã tạo hình được 197 sản phẩm. Trong đó đẹp hơn cả là bản đồ Việt Nam, bộ ấm chén, nhà dài Ê Đê... nhằm truyền tải thông điệp “Sức sống mới từ phế liệu” tới người dân về ý thức bảo vệ môi trường. Trong quá trình thực hiện, các loại rác được phân loại sơn màu tạo hình, tổng kinh phí thực hiện khu trưng bày khoảng 300 triệu đồng.

Ngoại thành cũng còn mấy vạt rừng cây cổ thụ cao hàng chục mét, đường kính ba bốn người ôm, nằm cạnh buôn làng đồng bào Ê Đê, như rừng ở buôn Kmrơng Kprông, xã Ea Tu rộng hơn 2,2 ha, rừng cổ thụ rộng 3,8 ha tại buôn Ju. Ông Y Mui - Trưởng buôn Ju, xã Tu chia sẻ: Ngày xưa nơi đây rừng che kín. Nay rừng bị thu hẹp dần. Các các già làng, buôn trưởng phải tổ chức họp bàn giữ rừng bằng luật tục, nếu ai chặt cây sẽ bị phạt cúng heo, trâu hoặc bò. Phải giữ vạt rừng còn sót lại để bảo vệ bến nước cho buôn.

MỚI - NÓNG