Rừng Tây Nguyên tan hoang, hao hụt nghìn héc ta do... bão?

Một vụ phá rừng tại Ðắk Lắk
Một vụ phá rừng tại Ðắk Lắk
TP - Những con số mất rừng được công bố tại Hội nghị “Tăng cường công tác bảo vệ rừng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên” vừa diễn ra tại thành phố Buôn Ma Thuột (nơi có diện tích rừng bị phá nhiều nhất) khiến dư luận kinh ngạc. Có nguyên nhân mất rừng được đưa ra là do…bão.

Mất 7.000 héc-ta do… bão

PV Tiền Phong nhiều lần xâm nhập thực tế những vụ phá rừng quy mô lớn ở 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Một đặc điểm chung khi đi vào hiện trường, đều phải qua một con đường độc đạo có chốt kiểm soát của kiểm lâm. Gần đây nhất, vụ hủy hoại rừng dịp Tết Nguyên đán, nhóm phóng viên phải đi qua một chốt bảo vệ rừng thuộc quản lý của Cty TNHH Lâm nghiệp Chư Phả (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk). Bên trong là những cây gỗ “khủng” nằm ngổn ngang, những cánh rừng bị châm lửa đốt lan cả vùng rộng. Gần đó, nhiều lán trại của lâm tặc dựng lên nhưng không bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Dọc tuyến Quốc lộ 14, Quốc lộ 28 (thuộc tỉnh Đắk Nông), những rừng thông cảnh quan bị “đầu độc” không thương tiếc. Có những rừng thông bị đốt giữa ban ngày (đoạn qua xã Đắk Ha, huyện Đắk G’Long). Người dân dựng hàng rào thép gai, trồng cây công nghiệp ngay trên đất rừng…

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2019, diện tích rừng tự nhiên các tỉnh Tây Nguyên giảm 15,753 héc-ta, trong đó, 3 tỉnh có diện tích rừng tự nhiên, giảm mạnh gồm: Đắk Lắk (11.419 héc-ta), Đắk Nông (7.156 héc-ta) và Gia Lai (494 héc-ta).

Lý giải diện tích rừng bị mất nhiều, ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho rằng, do công tác thống kê không đầy đủ, không sát với thực tế trong nhiều năm, dẫn đến khi thống kê bị cộng dồn. “Đắk Nông mất khoảng 7.000 héc-ta nhưng do không thống kê những năm trước đây chứ không thể trong 1 năm mà phá đến mức độ khủng khiếp như vậy được”, ông Tùng nói.

Trong khi đó, ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, viện dẫn 1 cơn bão làm tỉnh này mất hơn 7.000 héc-ta rừng: “Cơn bão số 12 năm 2017, theo cập nhật thì diện tích rừng giảm rất mạnh. Đặc biệt là các huyện như M’Đrắk, Ea Kar, Krông Bông thiệt hại trên 7.000 héc-ta, chiếm khoảng 68% tổng diện tích rừng tự nhiên giảm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”.

Trách nhiệm của ai?

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Hà Công Tài, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng IV (thuộc Tổng cục Lâm nghiệp), cho rằng, để mất rừng trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ rừng, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, trong đó có kiểm lâm. “Người đứng đầu (cụ thể UBND cấp tỉnh) và các cơ quan liên quan gồm Sở NN&PTNT, Sở TN&MT. Còn chúng tôi (Kiểm lâm vùng IV-PV) chỉ là cơ quan tham mưu các cơ chế chính sách, hỗ trợ địa phương khi cần”, ông Tài nói. Ông Tài thẳng thắn nhận khuyết điểm, trách nhiệm khi không tham mưu quyết liệt, kịp thời về tình trạng rừng Tây Nguyên lên cấp trên khiến các chính sách không đi vào thực tiễn, để tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn ra nhiều năm qua.

Bản thân ông Tài khi còn giữ chức vụ Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông (từ 2012-2014) đã 2 lần nhận kiểm điểm trước Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đắk Nông khi để mất rừng. Vị Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng IV nói rằng, ông không chịu chi phối, áp lực. Bởi bản thân ông không vi phạm gì trong công việc và đạo đức nghề nghiệp. Ông khẳng định, những sản phẩm gỗ dùng trong gia đình và anh trai không có gì khuất tất, sẵn sàng mời báo chí vào thăm.

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo, phải xác định rõ trách nhiệm của chủ rừng và cả chính quyền địa phương; bảo vệ bằng được diện tích rừng còn lại; đề nghị Trung ương sớm bố trí kinh phí cho các tỉnh Tây Nguyên triển khai những dự án quy hoạch di dân tự do; rà soát điều chỉnh lại 3 loại rừng để hình thành 1 bộ hồ sơ quản lý, ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý bảo vệ và phát triển rừng …

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.