'Rùng mình' những vụ sát hại bạn gái khi yêu, giới trẻ cần trang bị kỹ năng gì?

TPO - Cuộc sống ngày càng phát triển, nhất là trong thời đại bùng nổ của công nghệ, mạng xã hội…, các bạn trẻ yêu sớm hơn trước, từ đó cũng nảy sinh nhiều hệ lụy khó lường.

Hồi năm 2017, một nam sinh 16 tuổi đã bị tuyên phạt 12 năm tù vì giết bạn gái bỏ thùng xốp. Vụ việc hồi tháng 7/2020, nam thanh niên sinh năm 1991 ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy (Hà Nội) rút dao đâm liên tiếp vào người bạn gái cũ sau khi bị từ chối đề nghị nối lại tình cảm đã khiến nhiều người không khỏi “rùng mình”. Cuối năm ngoái, nam thanh niên 26 tuổi quê Trà Vinh đâm chết người yêu vì bị hủy hôn, Mới đây, dư luận lại xôn xao trước vụ nữ sinh lớp 10 ở Lý Nhân, Hà Nam bị bạn trai bóp cổ dẫn đến tử vong.

Trên thực tế, nhiều gia đình hiện nay bố mẹ quá bận rộn với công việc mà ít quan tâm sát sao đến con cái, đến lúc biết con có người yêu mới “tá hỏa” khi phát hiện những cử chỉ, lời nói, tin nhắn “trên mức bình thường”, thậm chí con giấu giếm để cùng bạn trai đến nhà nghỉ, đi xem phim, đến quán cà phê… Bắt gặp con yêu sớm, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra rất bất ngờ, bối rối, thậm chí “sốc” không biết nên xử trí ra sao.

Chị Trần Thu Hà - một nhà báo hiện đang sống và làm việc ở TP. HCM, cũng là tác giả cuốn sách: "Con nghĩ đi, mẹ không biết" được rất nhiều bậc phụ huynh yêu thích bởi những bài viết đơn giản, thú vị và sâu sắc mang đầy trải nghiệm về cách nuôi dạy con, tìm hiểu tâm lý của con… Là một người mẹ của hai cô con gái cũng đang ở độ tuổi thay đổi tâm sinh lý, chị Thu Hà đã có những chia sẻ rất hữu ích về cách làm sao để dạy con yêu đúng cách, nhận được nhiều sự đồng tình của các bậc phụ huynh khác.
'Rùng mình' những vụ sát hại bạn gái khi yêu, giới trẻ cần trang bị kỹ năng gì? ảnh 1 Chị Trần Thu Hà

Trong khi nhiều cha mẹ tỏ ra giận dữ, quát mắng, thậm chí cấm đoán, bắt con không được sử dụng điện thoại gây tác dụng ngược, chị Hà bày tỏ: “Mình không cấm con yêu, mình chỉ đồng hành. Đồng hành cả khi con tỏ tình, khi con yêu, và khi con chia tay hay từ chối.”

Nói về vụ việc nữ sinh lớp 10 ở Lý Nhân, Hà Nam bị bạn trai bóp cổ dẫn đến tử vong xảy ra mới đây, chị cho biết: “Trời ơi, 16 tuổi trăng rằm. Tại sao con lại tới tận nhà người ta và ngủ lại? Tại sao con lại sợ bố mẹ tới mức thà chọn cái chết chứ ko dám về nhà?...

Nói thật, mình không sợ con gái mình thi trượt hay sợ thực phẩm thiếu an toàn bằng việc con mình bước vào yêu, mình sợ những nguy hiểm từ cách con yêu, từ người con chọn yêu và chọn để tin.

Khi phỏng vấn công an, họ nói khi tiếp xúc với một vụ án mạng bao giờ cũng đặt ra câu hỏi đầu tiên: “Nạn nhân yêu ai? Nạn nhân có quan hệ với những người nào?”. Vì theo thống kê của công an, hơn 50% các vụ án mạng có nguyên nhân là tình cảm.

Làm sao để dạy con yêu?

Khắp nơi chỉ dạy toán lý hóa, tiếng Việt, tiếng Anh... Chẳng có nơi nào dạy giới trẻ cách nhìn người, để biết được người đó có tử tế không. Làm sao để con nghe và tin mẹ hơn tin người yêu?

Lâu nay ba mẹ và thầy cô dạy con trẻ khá kỹ về cách phòng tránh, đề phòng người lạ. Những cẩm nang phòng tránh lạm dụng xâm hại cũng vậy, quy tắc bàn tay cũng dặn trẻ cần phòng tránh người lạ... Nhưng con chúng ta đã đang và có thể sẽ chết vì người con chọn yêu nhiều nhất! Người lạ cướp giật có thể chỉ cướp được một cái điện thoại, nhưng người yêu có thể làm con mất cả cuộc đời. Người lạ chỉ chiếm có 7% số thủ phạm của nạn lạm dụng xâm hại tình dục thôi, còn 93% là người thân quen. Ai cũng có thể dễ dàng rời xa, chống lại người lạ nếu họ gây hại, nhưng rất khó khăn để chống đỡ lại người yêu, cho dù có nhìn thấy họ đang huỷ hoại mình.

Mình nghĩ, chẳng có truờng nào dạy những điều đó, chỉ có cha mẹ. Chỉ còn cách đồng hành, để ngay từ nhỏ con tin tưởng cho ba mẹ biết hành trình của con, có khúc cua gấp nào thì bố mẹ xi nhan kịp thời.

Ngay từ nhỏ, bằng bàn tay ôm con, bằng ánh mắt, bằng những lời âu yếm nâng niu... để con hiểu rằng con quý giá, con có đủ yêu thương ngay trong nhà mình, con ko đói khát tới mức tự chui đầu vào thòng lọng. Ngay từ nhỏ, mỗi ngày, mỗi lần đi đâu gặp ai, cũng trò chuyện để con nhận ra đâu là những tín hiệu của một người đáng tin cậy, đâu là kẻ hèn nhát và giả dối, đâu là người không tốt, mối quan hệ nào đang nhiễm độc. Ngay từ nhỏ, hãy cho con sức mạnh để con biết chịu trách nhiệm với chính mình và các mối quan hệ. Con hiểu con có quyền thiết kế và biên tập cuộc đời mình. Con bước vào được thì bước ra được, nâng lên được thì hạ xuống được, ngã được thì đứng dậy được. Ngay từ nhỏ, ba mẹ đành phải làm gương bằng lối sống, để con biết rằng thực ra các ranh giới là để bảo vệ con, và các kỷ luật cũng là để giúp cho con tự do. Ngay từ nhỏ, con phải hiểu rằng: Con có quyền sai lầm, và có quyền sửa chữa, con đừng phải dùng mạng sống để trốn tránh ba mẹ... Mình hiểu: Không có tuyệt chiêu nào, cũng không có hình phạt nào hiệu quả với tuổi teen bằng hành trình nhiều năm làm người bạn đồng hành cùng con, để con tin mẹ hơn tin người khác. Sinh ra một đứa con là không có ngày nào mẹ ngừng nỗ lực và hồi hộp. Nhiều người hỏi tại sao mình không cấm con yêu, Chị không sợ à? Sợ chứ. Mà sợ thì sợ, vẫn phải tập buông tay. Vì mình hiểu, càng bao bọc thì con càng vụng dại. Xã hội càng nhiều vấn đề thì càng không được úm con, kỳ thi nào càng khó, thì càng phải tập luyện nhiều hơn. Nhóm lửa đã khó, dập một đám cháy còn khó hơn. Phải kiên nhẫn và tạo điều kiện cho ngọn lửa của người kia cũng tắt. Đừng để ai hận ai đến mức khiến họ phải trả thù bất chấp hậu quả. Quan trọng là đừng dồn ai tới chân tường! Bảo vệ mình ko đồng nghĩa với việc tàn sát người khác."
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.