Dù là cầu tự phát và đã có người thiệt mạng khi qua những chiếc cầu phao này, nhưng hàng chục năm qua, chúng vẫn tồn tại bởi không có phương tiện nào thay thế.
Trước miệng Hà Bá
Để có thể về đến trung tâm huyện, người dân xã Đắk Lua phải vượt qua sông Đồng Nai và đi qua các huyện Cát Tiên, Đạ Oai, Đạ Tẻl của huyện Lâm Đồng với quãng đường gần 80km. Ở một nơi gần như biệt lập, không có cầu qua sông, hàng chục năm qua, người dân phải phụ thuộc vào một chiếc phà kéo dây để sang sông, nhưng rất bất tiện.
Cái khó ló cái… liều! Hơn 20 năm qua, gia đình bà Đỗ Thị Xuân ở ấp 7, xã Đắk Lua làm một chiếc cầu phao bằng tre nứa, cầu nổi bằng các thùng phuy, và căng dây cáp bắc qua sông nối qua xã Phù Mỹ (huyện Cát Tiên, Lâm Đồng) cho người dân qua lại và thu phí. Gia đình bà Lê Thị Oanh ở ấp 2, xã Đắk Lua cũng làm một cầu phao tương tự nối qua xã Đồng Nai (Cát Tiên, Lâm Đồng).
Sở GTVT Đồng Nai cho biết đã trình các phương án đầu tư phà hoặc cầu cho xã Đắk Lua và đang đợi quyết định của UBND tỉnh. Trong khi đó, Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai, cho rằng, việc đầu tư cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu cho xã Đắk Lua sẽ đảm bảo sử dụng lâu dài, thuận tiện hơn so với đầu tư phà, tuy nhiên vốn đầu tư ban đầu sẽ lớn, vì vậy, sở này cũng đang báo cáo chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.
Nhìn chiếc cầu phao tự chế, không khỏi rùng mình khi nó dập dềnh, đung đưa trên nước. Mặt cầu làm bằng tre, nứa đập dập rung bần bật khi có xe máy chạy qua.
Bà chủ cầu Đỗ Thị Xuân cho biết: “Vì nhu cầu của người dân đi lại nên mới làm cầu chứ thật ra cũng lo lắm, mỗi khi mưa lớn, lũ về thì phải tháo cầu”. Đã có ít nhất 2 người thiệt mạng khi đi qua 2 chiếc cầu phao này (một cô giáo và một bé trai).
Bà Nguyễn Thị Hà, một người dân ở xã Đắk Lua hằng ngày qua sông bán rau và các loại nông sản, nói: “Hằng ngày qua lại trên cầu phao này cũng sợ lắm, nhất là những khi nước lớn, nhưng cũng phải qua chứ không có đường nào khác”.
Ngoài 2 chiếc cầu phao, Đắk Lua còn có 3 bến đò nhưng tất cả đều không có giấy phép hoạt động, ngay cả một chiếc phà kéo dây do UBND xã Đắk Lua quản lý khai thác cũng không có giấy phép hoạt động theo quy định.
Mới đây, tại xã Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú), người dân lại bắc thêm 2 cầu phao qua sông Đồng Nai.
Ông Đặng Bình Thâm, Đội phó Đội Thanh tra Giao thông đường thuỷ (thuộc Sở GTVT Đồng Nai), cho biết, hằng năm Đội vẫn thường tổ chức kiểm tra và đình chỉ hoạt động các cây cầu phao, bến đò tự phát này, nhưng rồi đâu lại vào đó khi mà người dân không có phương tiện nào khác để sang sông.
Theo ông Hà Đình Toàn, cán bộ phụ trách thương mại dịch vụ xã Đắk Lua, hằng năm, nhiều cơ quan chức năng đến kiểm tra các cây cầu phao, bến đò ở đây và đều đình chỉ hoạt động, nhưng nếu chủ cầu, chủ đò đều chấp hành ngưng hoạt động thì người dân ở xã Đắk Lua không thể sang sông đi ra bên ngoài.
Cầu treo hàng chục năm
Theo UBND huyện Tân Phú, nhiều năm qua, huyện nhiều lần kiến nghị với tỉnh đầu tư cho xã Đắk Lua một cây cầu qua sông, nhưng không có kết quả. Ông Ngô Sĩ Bảng, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú, cho rằng, trước đây có ý kiến bác chuyện làm cầu ở Đắk Lua vì sợ ảnh hưởng Vườn quốc gia Cát Tiên.
Theo UBND huyện Tân Phú, từ năm 1975 đến nay, hoạt động đi lại qua sông Đồng Nai của người dân xã Đắk Lua phụ thuộc vào chiếc phà tự chế của Đoàn 600 (Quân khu 7) để lại. Do hoạt động lâu năm và là phà tự chế nên không đảm bảo an toàn. Huyện Tân Phú xin UBND tỉnh đầu tư 1 chiếc phà.
Năm 2010, UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận giao chiếc phà B60 của huyện Nhơn Trạch. Tuy nhiên, sau khi khảo sát, phà B60 quá lớn, không phù hợp với điều kiện bến bãi tại xã Đắk Lua và không có phương tiện để vận chuyển phà. Vì vậy, năm 2010, UBND huyện Tân Phú lại trình UBND tỉnh cho xây dựng cầu thay thế phương án phà. Ông Ngô Sĩ Bảng cho hay: Đến nay vẫn chưa có ý kiến nào về việc xây cầu.