Rừng đặc dụng Sông Thanh bị tàn phá

Hiện trường rừng đặc dụng Sông Thanh bị tàn sát.
Hiện trường rừng đặc dụng Sông Thanh bị tàn sát.
TP - Trong khi lực lượng chức năng đang vào cuộc điều tra vụ phá rừng lim quý hiếm tại xã ChaVal (huyện Nam Giang, Quảng Nam), cũng tại huyện này, lâm tặc lại xẻ thịt khu rừng đặc dụng Sông Thanh (xã Bhing, huyện Nam Giang). Nhiều động vật quý hiếm cũng bị giết hại.

Gỗ nằm giữa rừng

Từ trung tâm xã Bhing, đến được hiện trường khu vực rừng đặc dụng bị tàn phá mất 6 giờ lội bộ, băng dốc núi. Dọc đường mòn vào rừng, có gần trăm cây gỗ lim, gõ, kền kền bị lâm tặc đốn hạ. Nhiều gốc vẫn còn mới nguyên vết cưa xẻ. Những cây gỗ bị lâm tặc đốn hạ có đường kính 0,8m đến 1,4m. Có những cây gỗ mới đốn hạ chưa kịp xẻ phách nằm rạp giữa rừng. Theo người dân địa phương, rừng tại đây đã bị phá nhiều năm nay. Gỗ rừng sau khi bị đốn hạ được lâm tặc vận chuyển theo sông Thanh.

Đáng nói, tại khu vực này những bẫy thú được giăng khắp nơi. Nhiều động vật quý hiếm như voọc chà vá chân xám trúng bẫy nằm lại rừng. Các lán trại cũng được dựng lên giữa rừng phục vụ việc săn bắt.

Được biết, khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh có diện tích vùng lõi hơn 93.000 ha và hơn 108.000 ha vùng đệm, nằm trên địa bàn 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn. Nơi đây có hơn 800 loài thực vật bậc cao. Trong số đó có 23 loài hữu dụng, 38 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Tại đây có sự hiện diện của nhiều loài thú lớn và hiếm như hổ, báo, voi, voọc cá chân nâu, voọc cá chân xám... Mới đây, Bộ NN&PTNT thống nhất chủ trương lập hồ sơ nâng hạng thành Vườn quốc gia Sông Thanh. Mục tiêu của tỉnh Quảng Nam là xây dựng vườn quốc gia này trở thành khu dự trữ carbon lớn, bảo vệ hệ sinh thái, xa hơn nữa là tạo điểm du lịch sinh thái cộng đồng, là điểm dừng chân trên con đường lữ hành từ Thái Lan về Việt Nam.

Trước phản ánh rừng đặc dụng Sông Thanh bị xâm phạm, ông Đinh Văn Hồng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh cho hay lực lượng chức năng đang vào kiểm tra hiện trường, hiện chưa thể có câu trả lời cụ thể.

Cũng theo thống kê của Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh, từ trước và sau Tết Nguyên đán, lực lượng chức năng đã tổ chức 50 đợt kiểm tra truy quét, phát hiện và lập biên bản 40 vụ. Lượng lâm sản được tạm giữ lên đến 1,880m3 gỗ tròn, 16,391m3 gỗ xẻ, 1.025 kg gốc rễ có hình thù phức tạp. Đặc biệt, 20 cá thể động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý hiếm, 66 cá thể động vật rừng thông thường cũng được phát hiện và tạm giữ để xử lý theo quy định. Trong đó, có 2 vụ vi phạm về động vật rừng  đang được trưng cầu giám định để hoàn chỉnh các thủ tục khởi tố vụ án.

Văn bản nóng bảo vệ rừng

Từ sau Tết Nguyên đán 2018, tại Quảng Nam liên tục xảy ra các vụ phá rừng quy mô lớn. Mới đây nhất, vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn (huyện Đông Giang), qua kiểm đếm có 33 gốc cây bị chặt hạ, khối lượng gỗ thiệt hại khoảng 45,6 m3.

Cách đây 1 tuần, khi trực tiếp lội rừng, chứng kiến hiện trường rừng phòng hộ Sông Kôn bị tàn phá, ông Lê Trí Thanh cũng phải xót xa thốt lên “thấy rừng bị phá như máu mình đổ xuống”. Nhưng khi sự “quyết liệt” của lãnh đạo thì máu rừng vẫn chảy. Những vụ phá rừng quy mô càng lớn, càng nghiêm trọng hơn.

Cơ quan chức năng hiện cũng đang điều tra vụ phá rừng lim với quy mô lớn xảy ra tại khu vực rừng phòng hộ Nam Sông Bung.

Trước tình trạng phá rừng hàng loạt, ngày 6/4 ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký văn bản “nóng” chỉ đạo việc triển khai một số nhiệm vụ cấp bách trong công tác và bảo vệ rừng. Nhiều nội dung được lãnh đạo địa phương này chỉ đạo đến cơ quan chức năng, trong đó có nội dung yêu cầu tất cả các cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành (bao gồm Kiểm lâm và các Ban quản lý rừng) ký cam kết không có bất kỳ hành vi nào vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng hoặc tiếp tay, dung túng, bao che cho các đối tượng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép; không mua bán, sử dụng các vật dụng lâm sản không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Nếu cơ quan chức năng phát hiện các hành vi vi phạm cam kết sẽ tự nguyện chấp nhận xử lý kỷ luật ở khung hình phạt cao nhất theo quy định hiện hành...

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.