Rủi ro từ phát hành trái phiếu 'nhiều không'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dù chịu nhiều rào cản trong năm 2022 nhưng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, không phải là khoản nợ thứ cấp của doanh nghiệp vẫn ồ ạt được phát hành, gây nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và hệ thống tín dụng.

Trái phiếu 4 “không”

Nhiều thay đổi về quy định pháp lý trong năm 2022 có thể tác động mạnh đến thị trường nhưng trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang tăng trưởng mạnh. Đáng lo nhất là loại trái phiếu “nhiều không”, gồm không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, không đánh giá tín nhiệm đang được nhiều doanh nghiệp sử dụng để huy động vốn.

Rủi ro từ phát hành trái phiếu 'nhiều không' ảnh 1

Hiện nay chưa có các tổ chức tư vấn uy tín đánh giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để đảm bảo minh bạch thông tin và bảo vệ nhà đầu tư trái phiếu

Chẳng hạn, Công ty CP Tập đoàn VsetGroup hoạt động trong các lĩnh vực, cho thuê kho bãi, sửa chữa ôtô, xây dựng, hồ cảnh quan, cây cảnh, chụp ảnh, giải trí, bán thiết bị điện tử, nhà hàng… Để có vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh, VsetGroup thực hiện hàng chục đợt chào bán trái phiếu nhưng không cung cấp được hồ sơ, tài liệu liên quan đến sử dụng số tiền thu được từ chào bán trái phiếu. Đáng chú ý, trái phiếu của VsetGroup được phát hành không có tài sản đảm bảo.

Kết quả kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, hoạt động chào bán trái phiếu của VsetGroup có dấu hiệu bất thường, tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư. Cụ thể, VsetGroup đã ký hơn 670 hợp đồng mua bán trái phiếu với tổng giá trị hơn 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty không theo dõi, hạch toán, trình bày trên báo cáo tài chính đối với các khoản tiền thu được từ chào bán trái phiếu, trả lãi vay trái phiếu, trả gốc vay trái phiếu đến hạn. Các khoản tiền thu được từ chào bán trái phiếu được các cá nhân rút ra khỏi tài khoản của công ty và không được nhập quỹ đầy đủ, không được theo dõi trên sổ sách kế toán.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định, VsetGroup đã có hành vi chào bán chứng khoán ra công chúng thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cho các nhà đầu tư không xác định nhưng không nộp hồ sơ đăng ký, vi phạm quy định tại Điều 13 Luật Chứng khoán năm 2006 và Điều 16 Luật Chứng khoán năm 2019. Hiện tại, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế buôn lậu Bộ Công an để xem xét xử lý vụ việc VsetGroup phát hành hơn 670 hợp đồng mua bán trái phiếu với giá trị hơn 200 tỷ đồng.

Tương tự, CP Đầu tư và Phát triển Eagle Side cũng vừa phát hành xong lô trái phiếu trị giá 3.930 tỷ đồng. Eagle Side được thành lập từ tháng 6/2017 hoạt động trong các lĩnh vực tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất... Trong 4 năm hoạt động (2017-2020), doanh thu của Eagle Side ở mức 0 đồng, khiến công ty luôn trong tình trạng thua lỗ.

Công ty CP Tập đoàn Đầu tư I.P.A đã phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, đáo hạn năm 2025. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và không phải là khoản nợ thứ cấp của doanh nghiệp. Lãi suất cố định 9,5%/năm, trả định kỳ 12 tháng/lần. Toàn bộ số tiền thu về sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn nhằm thực hiện các dự án đầu tư và các hoạt động khác của doanh nghiệp. Đơn vị thu xếp cho Công ty CP Tập đoàn Đầu tư I.P.A phát hành trái phiếu là Công ty Chứng khoán VNDirect do bà Phạm Minh Hương là Chủ tịch HĐQT. Bà Hương là vợ của ông Vũ Hiền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đầu tư I.P.A.

Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 2 tháng đầu năm 2022, thị trường ghi nhận 8 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng với tổng giá trị 5.509 tỷ đồng và 26 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 22.185 tỷ đồng. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, tổng giá trị trái phiếu phát hành ra công chúng tăng 31% và tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ tăng 51%.

Cảnh báo có từ sớm

Trong báo cáo “Trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam”, Hãng nghiên cứu FiinGroup cảnh báo, hơn 80% giá trị trái phiếu doanh nghiệp của ngành bất động sản thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết. Các doanh nghiệp này có sức khỏe tài chính ở mức yếu và rất đáng báo động. Điều này thể hiện ở mức độ đòn bẩy tài chính (nợ vay vốn chủ sở hữu) hiện ở mức lên tới 8,1x trong khi các doanh nghiệp niêm yết chỉ ở mức 2,5x. Năng lực trả nợ vay của các đơn vị phát hành bất động sản chưa niêm yết hiện đang rất yếu. Các chỉ số đánh giá năng lực trả nợ vay và đòn bẩy đều đang ở mức đáng báo động.

Báo cáo thị trường trái phiếu của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, năm 2021 các doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu để huy động tổng cộng 722.700 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2020. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng trưởng nóng, với quy mô từ 4,9% GDP năm 2017, lên tới 16,6% GDP năm 2021. Các doanh nghiệp bất động sản vẫn là nhóm phát hành nhiều nhất.

Trong năm 2022, số trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn khoảng 266.000 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020 và chiếm khoảng 19% lượng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành. Trong khi đó, dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, dòng tiền suy kiệt làm ảnh hưởng đến kế hoạch trả nợ gốc và lãi trái phiếu.

MỚI - NÓNG