Rùa tai đỏ 'tàn sát' động thực vật

Rùa tai đỏ 'tàn sát' động thực vật
Liên tiếp từ đầu tháng 12 trở lại gần đây, tại các chùa ở thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu phát hiện số lượng rùa tai đỏ khá nhiều. Dù đây là loại vật nguy hại đến môi trường nhưng rùa tai đỏ ở tỉnh này được nuôi tràn lan tại các ao hồ trong các chùa. Người dân vẫn vào bắt về nuôi, ăn thịt.

> Hiến kế bắt rùa tai đỏ ở Hồ Gươm
> Hồ Gươm sắp thành 'vương quốc' rùa tai đỏ

Sư Thích Minh Nhàn (Tịnh xá Ngọc Liên, phường 2, thành phố Bạc Liêu) cho biết, cách đây khoảng một tháng, bất ngờ ao sen rộng hơn 1.000m2 của chùa tự nhiên rụi dần, không còn một loại cây cỏ, thực vật nào sống được. Sau đó nhà chùa tiến hành tìm hiểu thì phát hiện cả trăm con rùa tai đỏ ở dưới ao.

Loại vật nguy hại này không chỉ “tận diệt” thực vật mà tấn công sang các loại con nuôi dưới ao như cá, lươn, ba ba…

Theo sư Thích Minh Nhàn, rùa tai đỏ có nhiều ở đây là do phật tử đem đến phóng sinh, từ số lượng ít, nay rùa tiếp tục sinh sản nâng tổng đàn lên khá nhiều. Tuy chưa biết chính xác số lượng nhưng tại các ao của Tịnh xá Ngọc Liên có không dưới 100 con rùa tai đỏ.

Các sư ở đây cho biết, phần lớn các ao nuôi cá trong các chùa trên địa bàn đều có rùa tai đỏ. Điều lo lắng hơn, các ao này không được rào chắn an toàn, rùa bò ra cả ngoài vườn, đồng ruộng…

Riêng số lượng rùa tai đỏ tại Tịnh xá Ngọc Liên đang sinh sản khá nhanh, nếu như tình trạng chậm xử lý kéo dài, nguy cơ phát tán rùa tai đỏ ra môi trường tự nhiên là điều khó tránh khỏi.

Theo Huỳnh Sử
Thông Tấn Xã Việt Nam

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG