'Rồng lửa' S-400 Nga sẵn sàng chiến đấu ở Syria

Với sự xuất hiện của đài điều khiển 92N6E cho thấy tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga đã sẵn sàng chiến đấu ở Syria. 

Hôm 27/11, cả thế giới đã được một phen “sốc” khi Nga chính thức triển khai tổ hợp tên lửa phòng không S-400 tới căn cứ ở Latakia, Syria. Việc đưa S-400 tới Syria được cho là nhằm bảo vệ các máy bay ném bom Nga trước mọi mối đe dọa trên không sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24M.

Tuy nhiên, các bức ảnh được truyền thông Nga công bố khi đó cho thấy tổ hợp tên lửa S-400 dường như vẫn chưa thể chiến đấu vì thiếu radar. Cụ thể, các hình ảnh những ngày đó chủ yếu có sự xuất hiện của đài radar nhìn vòng mọi độ cao 96L6.

Đài này (dấu đỏ) chủ yếu làm nhiệm vụ cảnh giới, báo động sớm với khả năng phát hiện 100 mục tiêu ở mọi độ cao, tầm trinh sát 300km. Nó không có khả năng dẫn bắn tên lửa mà chỉ có tác dụng phát hiện sớm mục tiêu, cung cấp tham số cần thiết cho đài điều khiển hỏa lực tên lửa.

Tuy nhiên, các bức ảnh được công bố đầu tháng 12 đã cho thấy lúc này tổ hợp tên lửa S-400 mới thực sự chiến đấu khi có sự xuất hiện của đài điều khiển hỏa lực 92N6 – biến thể nâng cấp mẫu 30N6 vốn dùng trên tổ hợp S-300.

Radar 92N6E có thể theo dõi đồng thời 100 mục tiêu (vẫn theo dõi được trong khi đang quét), mỗi xe đài radar kiểm soát tới 4 xe mang phóng, dẫn đường cho 12 tên lửa tấn công 6 mục tiêu cùng lúc với tỷ lệ phân bổ 2 đạn tên lửa/ mục tiêu. Tổ hợp có khả năng tự động theo dõi và bám bắt trong điều kiện thời tiết bất lợi hay trong môi trường tác chiến điện tử mạnh. Các mục tiêu nguy hiểm nhất sẽ được sàng lọc để người điều khiển lựa chọn. Khi lệnh khai hỏa được gửi đến xe phóng, 92N6E sẽ tự động tính toán các tham số để dẫn đường cho tên lửa tiêu diệt mục tiêu.

Trong ảnh là đài cảnh giới 96L6 có khả năng bắt thấp và rất thấp, đây là tính năng quan trọng trong việc phát hiện tên lửa đường đạn chiến thuật - chiến dịch. Trong chế độ bắt thấp, vận tốc mục tiêu giới hạn từ 30 - 1.200 m/s. Bên cạnh đó, 96L6E còn có chế độ chuyên tìm kiếm ở độ cao thấp với khả năng bao quát 3600 trong vòng 6 giây, góc phương vị từ -3 - 1,50. Ở chế độ này, vận tốc mục tiêu giới hạn từ 50 - 2.800 m/s.

Xe phóng tự hành tổ hợp S-400 được định danh là 5P85SE2 dùng khung gầm cơ sở xe MAZ-543 vốn thường trang bị cho tổ hợp S-300.

Ngoài việc công bố đài radar và bệ phóng tên lửa sẵn sàng chiến đấu, truyền thông Nga còn “hé lộ” tổ hợp phòng không Pantsir-S1 làm nhiệm vụ bảo vệ S-400.

Theo Theo Kiến Thức