Rong chơi làng Cù Lần

Rong chơi làng Cù Lần
TP - Đến với ngôi làng với tên gọi rất dân dã - làng Cù Lần, bạn sẽ được tĩnh tâm, thư giãn giữa thiên nhiên hoang sơ; gặp những con thú hiền như nai, những người bản địa lành như đất.
Làng Cù Lần yên bình, thơ mộng
Làng Cù Lần yên bình, thơ mộng.

Từ trung tâm TP Đà Lạt, cưỡi ô tô hay xe máy trên đường nhựa len lỏi giữa những đồi thông xanh ngắt về hướng Tây Bắc khoảng 15km là đến Khu du lịch Thung lũng vàng. Đi tiếp gần 10 km nữa thì tới làng Cù Lần - một thung lũng hoang sơ rộng hàng chục héc ta thuộc địa bàn xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng.

Từ bãi đỗ ô tô, chúng tôi men theo lối mòn len lỏi giữa những thảm cỏ xanh mượt, trảng hoa kim châm vàng rực điểm xuyết vài cụm hoa rừng tim tím lãng mạn như sim, mua, a ra păng… Văng vẳng bên tai là giọng ca trầm ấm, da diết, đầy nội lực của chàng trai người bản địa (K’Ho): “Dâng em lối nhỏ xinh uốn quanh hồ xanh suối vắng/Dâng em mái nhà tranh khuất trong màn sương chiều về/Xin em hãy nhận đi trái tim mộng mơ trái tim Cù lần…”. Khu du lịch mới hình thành năm ngoái nhưng đã tạo nguồn cảm hứng đặc biệt cho nhạc sĩ để có những ca từ mộc mạc nhưng dạt dào cảm xúc.

Làng Cù Lần cũng có nhiều khu vực và dịch vụ để những người ưa mạo hiểm khám phá như đua ngựa trên triền đồi; cưỡi xe jeep băng rừng, vượt suối; chơi trò đuổi bắt trên những chiếc cầu treo lắt lẻo; thi bơi lội và đua thuyền; đốt lửa trại, thưởng thức rượu cần và múa hát theo nhịp cồng chiêng…

Ẩn hiện giữa đồi thông ven hồ ven suối là những ngôi nhà gỗ xinh xắn theo lối kiến trúc Tây Nguyên. Lá thông già rơi xuống phủ một lớp mỏng trên những mái nhà khiến cho làng Cù Lần thêm vẻ hoang sơ, yên bình.

Nhiều đôi uyên ương tạm lánh chốn đô thành ồn ã để đến ở trọ trong những ngôi nhà này; lặng ngắm dải sương mù mềm như lụa vắt qua nhành thông hoặc buông rủ trên mặt hồ; lắng nghe tiếng chim líu lo gọi bầy gọi bạn. Nếu mê sông nước, du khách có thể đẩy bè tre hoặc thuyền độc mộc đến những bến vắng ven hồ rồi thong thả buông câu.

Già K’Biêng kể vào thập niên 60 của thế kỷ trước, khi di cư đến khai hoang lập làng thì bắt gặp nhiều con thú hoang tên gọi là cù lần hoặc cu li. Loài này hầu như bị mù với ánh sáng nên ban ngày thường cuộn mình lại và ngủ trong lùm cây; ban đêm bò ra ăn quả, lá non, côn trùng, trứng chim hoặc chim non.

Khi chúng tôi đến thăm khu nuôi thú, từng cặp từng cặp cù lần nhỏ bé cuộn tròn lại, nép sát nhau bất động trong góc chuồng. Bộ lông mềm mại màu hung nâu; dọc sống lưng có vệt màu đỏ thẫm.

Nghe tiếng động mạnh, chúng ngơ ngác giương đôi mắt thật to, tròn xoe len lén nhìn rồi vội vàng lấy tay che mặt trông thật dễ thương; sau đó lại cuộn tròn nép vào nhau.

Là loài di chuyển chậm chạp và dễ nuôi nên cù lần bị săn lùng ráo riết để làm thú cưng hoặc lấy bộ da làm thú nhồi để trang trí, do đó loài này ngày càng quý hiếm.

Ven hồ và suối còn có loại cây mang tên cù lần với tán lá khá đẹp mà người địa phương gọi là dớn. Loài cây này có sức sống rất mãnh liệt: Nhiều khi cả vạt dớn bị cháy trụi nhưng chỉ sau vài cơn mưa, các chồi non lại trồi lên từ đất và lớn rất nhanh. Những gốc dớn xù xì được đẽo thành hình con cù lần ngộ nghĩnh - món quà lưu niệm được du khách ưa chuộng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.