TPO - Cứ mỗi khi Tết đến Xuân về, trò chơi Bài chòi cầu Ngói Thanh Toàn (xã Thủy Than, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) lại rộn ràng vào hội.
Hội Bài chòi xứ Huế nằm trong tổng thể Di sản nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ của Việt Nam đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dù qua hàng trăm năm, nhưng hội Bài chòi tại cầu Ngói Thanh Toàn vẫn có một sức sống mãnh liệt.
Những ngày Tết Nguyên đán, vùng quê Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) lại rộn ràng Hội bài chòi, với nhiều người các nơi tìm về tham gia, hội chơi diễn ra từ sáng đến chiều. Dù trải qua hàng trăm năm, nhưng hội Bài chòi tại cầu Ngói Thanh Toàn vẫn có một sức sống mãnh liệt. Với người dân địa phương, đó là một trò chơi dân gian vô cùng hấp dẫn và luôn được yêu thích trong ngày tết.
, Đây là trò chơi dân gian gắn với diễn xướng duy nhất còn lại tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Năm nay, Hội bài chòi tổ chức cạnh di tích cầu Ngói Thanh Toàn bắc ngang dòng sông Như Ý, không chỉ thu hút người chơi là dân địa phương, mà còn có nhiều du khách các nơi tìm đến.
Họ vừa tìm hiểu hội bài chòi, đồng thời thăm thú, tham quan cây cầu Ngói độc đáo đã hàng trăm năm tuổi.
Hội bài chòi cầu Ngói rất đặc biệt. Người chơi được bố trí dự hội trong các chòi tre, mái lợp lá. Mỗi hội Bài chòi như vậy gồm có tổng cộng 11 chiếc chòi, với 1 chòi trung tâm và hai dãy gồm 5 chiếc chòi đối diện nhau.
Hội bài chòi được điều khiển bởi một người ‘rao bài’ (hô thai). Người này được gọi là “ông hiệu”, “bà hiệu”.
“Ông hiệu”, bà hiệu” ngoài chức năng “cầm chịch” cuộc chơi còn có tài diễn xướng, ứng biến các bài xướng dạng thơ lục bát, nói lối hết sức linh hoạt tùy theo lá bài hiển thị sau khi lắc ống chứa các quân bài.
Quân bài chòi
Theo thể thức chơi, mỗi hội bài được chia thành 9 ván, mỗi ván người chơi phải đánh hết 5 quân bài. Kết thúc mỗi ván, người thắng sẽ được cắm một cờ vào chòi của mình và nhận một số tiền thưởng nho nhỏ.
Đây là một hội chơi dân gian không phân biệt kẻ giàu người nghèo, nam phụ lão ấu, gắn với hình thức diễn xướng hết sức linh hoạt, độc đáo; trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi khi Tết đến Xuân về ở xứ Huế. Và điều đặc biệt hơn, hội Bài chòi xứ Huế nằm trong tổng thể Di sản nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ của Việt Nam đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.