Rối với giảm thuế VAT

0:00 / 0:00
0:00
TP - Việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% theo Nghị định 15 của Chính phủ đã triển khai được hơn một tháng. Tuy nhiên người tiêu dùng vẫn không biết thông tin giảm VAT khi mua sắm, doanh nghiệp (DN) cũng rối bời xác định thuế với từng danh mục sản phẩm.

Nơi cụ thể, nơi… mập mờ

Tối cuối tuần, gia đình chị Thanh Phương (ngụ quận 7, TPHCM) ăn uống tại một nhà hàng tự chọn với hóa đơn hơn 4 triệu đồng thì thuế VAT 8% khoảng 320.000 đồng. Với mức thuế mới này, gia đình chị Hoa được giảm khoảng 80.000 đồng so với việc phải nộp theo thuế suất 10% như trước đây. “Nhà nước giảm thuế vậy mình rất mừng, tuy mức giảm không nhiều nhưng chúng tôi cũng thấy ấm áp vì trong thời buổi giá cả tăng nhanh như hiện nay, được giảm đồng nào mừng đồng đó. Dù ít nhưng nếu cộng dồn lại nhiều lần, nhiều món thì cũng thành nhiều” - chị Phương nói.

Tại nhiều điểm kinh doanh ở siêu thị Co.op Mart, Satra, Lotte, Go!, Big C… đều áp dụng giảm thuế VAT trên hàng chục ngàn sản phẩm như gồm thực phẩm khô, nước giải khát, sữa, bánh kẹo, thời trang, hàng gia dụng… và ghi rõ sản phẩm nào giảm 8%. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail cho biết: “Ngay khi Nghị định được áp dụng, Central Retail đã triển khai ngay giá bán mới theo hướng giảm 2% thuế VAT. Do đã chuẩn bị nhằm bình ổn thị trường từ trước Tết, Central Retail đã đàm phán với các nhà cung cấp và cam kết đảm bảo giá cả các mặt hàng ổn định, không xảy ra trường hợp hụt hàng hay đội giá”.

Mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn kịp thời về chính sách giảm thuế VAT 2% một số mặt hàng, dịch vụ. Theo đó, Bộ Tài chính được yêu cầu sớm xem xét những kiến nghị, phản ánh của DN và người dân để có hướng dẫn, giải thích kịp thời. Việc này nhằm đảm bảo chính sách giảm thuế VAT phát huy hiệu quả trong phục hồi kinh tế thông qua kích cầu tiêu dùng.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít người dân không thể xác định sản phẩm mua tại cửa hàng đã được giảm thuế hay chưa. Nhiều tiệm ăn, quán cà phê… cũng niêm yết chung chung “đã gồm VAT” chứ không cụ thể mức tăng giảm thuế ra sao. Trưa ngày 7/3, chị Thu Hà (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) đi nhiều siêu thị như San Hà, Bách hóa Xanh mua thực phẩm. Sau khi xem kỹ phiếu thanh toán, chị Hà lắc đầu: “Trên phiếu tính tiền chỉ ghi chung “Giá đã bao gồm VAT” mà không biết các sản phẩm đã áp dụng giá giảm hay chưa”.

Doanh nghiệp rối

“Gần 15 năm làm nghề, chưa bao giờ tôi gặp khó như khi áp dụng Nghị định 15. Thức cả mấy đêm liền để đọc và tra cứu nghị định; dò từng danh mục sản phẩm, làm lại bảng giá mới cho hàng trăm sản phẩm khiến tôi stress vì “rối như canh hẹ”. Trước đây thủ tục chứng từ rất nhanh gọn vì đều có VAT 10%, nhưng bây giờ phải tìm hiểu sản phẩm đó thuộc nhóm hàng gì, mã ngành đó có được giảm thuế hay không - chị Võ Thị Trang, kế toán trưởng một công ty chuyên cung cấp vật liệu xây dựng (huyện Bình Chánh, TPHCM) ngao ngán nói.

Rối với giảm thuế VAT ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp niêm yết rõ việc giảm thuế từng sản phẩm để khách hàng dễ lựa chọn

Theo quy định các sản phẩm kim loại và các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng gồm than cứng, than đá, dầu thô, quặng kim loại, đá xây dựng và trang trí… thì không áp dụng giảm thuế VAT. Tuy nhiên, DN hoạt động trong lĩnh vực này cho rằng khi nhập và lắp đặt máy móc, thiết bị với thuế suất 10%. Nhưng xuất hóa đơn cả công trình thì không biết tính 8% hay là tách riêng từng hạng mục 8% và 10%...

Ông Trọng Nguyễn chuyên cung cấp dịch vụ vận chuyển (logistics) băn khoăn về các nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế. “Như quy định tại điều 1 của Nghị định về các mặt hàng loại trừ không được giảm thuế. Vậy những mặt hàng không nêu cụ thể trong danh mục như cầu dao điện, thiết bị điện không dùng cho công nghệ thông tin hay nhựa, cao su… thì có được áp dụng thuế VAT 8%?” - ông Trọng Nguyễn đặt câu hỏi.

Đại diện một công ty nhựa ở huyện Hóc Môn cho hay, đến hiện tại, đơn vị này vẫn xuất hóa đơn 10% mà không biết làm vậy đúng hay sai luật. “ Các nguyên liệu như hạt nhựa, hóa chất nhập khẩu là những mặt hàng không được giảm thuế VAT, tức thuế vẫn 10%. Nhưng công ty nhập khẩu những mặt hàng trên về chế biến ra sản phẩm như bàn ghế, thau rổ, chén đũa… được giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%. Thật sự chúng tôi không biết xuất hóa đơn ghi thuế VAT sao cho đúng” - vị này bộc bạch.

Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (Hiệp hội DN TPHCM) nhìn nhận, việc giảm thuế từ 10% xuống còn 8% cũng tạo điều kiện, nguồn lực để DN tăng cường sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều DN chưa nắm rõ danh mục hàng hóa, dịch vụ nào được và không được giảm thuế vì DN có nhiều ngành nghề kinh doanh, hoặc cũng có trường hợp cùng ngành nghề, nhưng lại thuộc đối tượng khác nhau dẫn đến việc giảm thuế cũng khác nhau.

Rối với giảm thuế VAT ảnh 2

Việc cộng gộp thuế VAT khiến khách hàng băn khoăn khi mua sắm

“Ví dụ như ngành lưu trú với bất động sản VAT là 10%, nhưng với khách sạn VAT chỉ 8%; hay như trường hợp dịch vụ ăn uống được giảm thuế VAT 8% nhưng sản phẩm rượu bia là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nên vẫn áp thuế VAT 10%” - Luật sư Nghĩa dẫn chứng. Đồng thời ông cũng đề xuất đối với Nghị định 15 nên áp dụng theo một số quy tắc cơ bản trong quản lý thuế. Ví dụ như đề cao quy tắc bản chất quyết định hình thức, quy tắc trọng yếu, quy tắc tương tự…

MỚI - NÓNG