Rối nước tư nhân 'đắp chiếu' mùa 'Cô Vy'

Nghệ sỹ Phan Thanh Liêm bên sân khấu rối nước thu nhỏ mùa “Cô Vy”
Nghệ sỹ Phan Thanh Liêm bên sân khấu rối nước thu nhỏ mùa “Cô Vy”
TP - Nghệ sỹ Phan Thanh Liêm, ông chủ đầu tiên và duy nhất của sân khấu rối nước  thu nhỏ cho biết: Anh đã chính thức “ngồi chơi xơi nước” khoảng 3 tháng nay, từ khi COVID-19 tấn công mạnh. Ở nước ta, tình hình dịch bệnh tuy đã lắng, nhiều hoạt động văn nghệ giải trí đã trở lại, song sân khấu rối nước tư nhân vẫn ngủ yên vì không có khách.

Không chỉ Phan Thanh Liêm thất nghiệp, “bà xã” của anh cũng lâm tình trạng tương tự. Vì cả hai vợ chồng cùng làm sân khấu rối nước thu nhỏ. Chưa bao giờ trong đời làm rối nước, Phan Thanh Liêm bị lúng túng như mùa “Cô Vy”: “Các đoàn nhà nước được hỗ trợ lương tối thiểu. Còn tôi thì không. Tôi rơi vào thất nghiệp nhưng không có trợ cấp thất nghiệp, mấy bà tổ trưởng khu phố nói, trường hợp tôi chắc không được trợ cấp đâu. Họ nói thế thì biết làm sao?”. Anh dự đoán: Tình hình sân khấu rối nước tư nhân “đắp chiếu” còn diễn biến phức tạp: “Chẳng biết bao giờ mới trở lại. Ngay cả khi tình hình dịch bệnh đã ổn định thì khôi phục lại sân khấu cũng mất thời gian. Sân khấu rối nước thu nhỏ chủ yếu sống nhờ khách tây, mà nhiều người nước ngoài bây giờ thất nghiệp, kinh tế khó khăn, họ lấy tiền đâu để đi du lịch?”.

Sân khấu của Phan Thanh Liêm thỉnh thoảng cũng có khách ta, như học sinh của các trường học, song hiện nay khi kinh tế gặp khó khăn  thì khách trong nước cũng vắng. Từ khi hết giãn cách xã hội đến nay, sân khấu của anh vẫn chưa có cơ hội phục vụ đoàn khách ta nào.

Hiện nay, Phan Thanh Liêm sở hữu hai sân khấu rối nước thu nhỏ, một cơ sở nằm trong ngõ của phố chợ Khâm Thiên, cơ sở thứ hai nằm ở Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội. Cơ sở thứ hai đã từng lên truyền hình, trông rộng rãi và long lanh hơn cơ sở đầu tiên song cơ ngơi này lại do người thân của anh giúp anh gây dựng, “tôi làm sao có tiền”, anh “khai”. Ngay cả khi cuộc sống không biến động bởi dịch bệnh thì sân khấu rối nước thu nhỏ cũng chỉ đủ để Phan Thanh Liêm nuôi mình, nuôi hai con ăn học: “Khách Việt không mấy quan tâm tới những bộ môn nghệ thuật truyền thống, chủ yếu sống dựa vào khách nước ngoài”.

Đã 20 năm làm nghệ thuật tư nhân, Phan Thanh Liêm không nhận được hỗ trợ kinh phí của bất kể tổ chức nào, anh đã quen với việc “tự bơi”: “Tôi cũng bán vé, theo tour, thu tiền của khách để lấy vốn đó quay vòng hoạt động, cũng là để duy trì sinh hoạt cho gia đình”, anh chia sẻ.

Rối nước tư nhân 'đắp chiếu' mùa 'Cô Vy' ảnh 1 Rối nước thời đeo khẩu trang

Tôi hỏi Phan Thanh Liêm, tại sao không dùng thời gian rảnh nào để sáng tạo vở mới? Anh cười: Muốn sáng tạo vở mới phải có tiền. Mỗi một vở mới ra đời cũng tốn vài chục triệu. Mà có vở mới cũng diễn cho ai xem bây giờ? Lý do ít người chịu theo mô hình sân khấu rối nước thu nhỏ được nghệ sỹ giải thích: “Làm cái này vất vả, yêu cầu nhiều thứ. Nếu cái gì cũng đi thuê thì không đủ chi phí. Tháng cao điểm được 30 “sô” mà chia hai người làm, không ăn thua, thua đi làm nhà nước. Chỉ tính riêng con rối, cứ khoảng 4 tháng sử dụng lại bị hỏng, phải mất mấy chục triệu để thay, rồi tiền điện đóm… May là làm tại nhà mình, không thì sân khấu đến “đắp chiếu” luôn”.  Dù khó khăn chồng chất khó khăn trong mùa dịch, song Phan Thanh Liêm khẳng định, anh không có ý nghĩ bỏ nghề.  

Trước kỳ dịch bệnh, Phan Thanh Liêm có dịp mang sân khấu rối nước thu nhỏ sang Ý 5 lần để diễn trong Festival phương Đông, anh cũng có dịp sang Mỹ biểu diễn. Chính những lần ra nước ngoài đã truyền cảm hứng nỗ lực bám nghề của anh: “Tôi tiếc cho khán giả trong nước. Ra thế giới thấy người ta quay về với nghệ thuật truyền thống. Hồi tôi được mời sang Mỹ biểu diễn, ông giám đốc chương trình nói: Chúng tôi không mời ban nhạc hiện đại mà mời các đoàn nghệ thuật truyền thống của các nước sang, đây là một cách để nghệ thuật truyền thống không bị mai một”.

Khách du lịch nước ngoài đến nhà anh xem rối nước cũng tỏ ra thích thú. Họ sẵn sàng bước bộ vài trăm mét trong ngõ nhỏ chật hẹp, rồi lại leo 4 tầng gác, để đến với sân khấu thu nhỏ của Phan Thanh Liêm. Không phải khách tây nào cũng đủ sức khỏe để bước bộ, có những trường hợp ông chủ sân khấu rối nước thu nhỏ phải mang xe máy ra đầu ngõ chở “thượng đế” về nhà mình, rồi dìu họ lên tận tầng 4  để xem rối nước, hết buổi diễn, ông chủ lại dìu “thượng đế” xuống. Nghệ sỹ rối nước vốn đã vất vả, “mùa đông người ta đút tay túi quần thì mình lại dìm tay xuống nước lạnh 5-6 độ”, anh kể. Vừa là nghệ sỹ, vừa kiêm ông chủ sân khấu rối nước lại càng vất vả hơn.

Mang tiếng “ông chủ” nhưng kiêm tất mọi chuyện, vừa biểu diễn, vừa giao lưu, vừa dìu khách lên, xuống, hết 30 phút biểu diễn lại lọ mọ thu dọn… nhưng Phan Thanh Liêm thấy vui: “Có khách để phục vụ là quí rồi”. Nhiều “thượng đế” ngoại quốc khuyên Thanh Liêm nên cố gắng bảo tồn rối nước, bởi di sản này không phải của riêng anh mà  của quốc gia.

Sân khấu rối nước thu nhỏ Phan Thanh Liêm thuộc Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Bản thân Phan Thanh Liêm cũng là hội viên Hội sân khấu. Hỏi anh có quan tâm tới danh hiệu nghệ sỹ ưu tú không? Anh cười: “Tôi không quan tâm. Dù nhiều người nói tôi hoàn toàn xứng đáng”. Anh chỉ băn khoăn: Tại sao cùng phục vụ khán giả, cùng góp phần lan tỏa văn hóa truyền thống của dân tộc ra thế giới, trong khi các nhà hát múa rối được quan tâm, còn sân khấu thu nhỏ của anh lại bị “buông tay” không chỉ trong mùa dịch? Đó là nỗi tủi thân của một nghệ sỹ làm nghề miệt mài, sinh ra trong gia đình nhiều đời theo múa rối.

Thế hệ trẻ không mấy mặn mà với bộ môn nghệ thuật này. Ngay con trai lớn của anh nay đã 20 tuổi cũng không muốn giới thiệu nghề của cha mình với bạn bè. Thuở nhỏ, khi học lớp mẫu giáo 5 tuổi, trong buổi sinh hoạt, cô giáo đề nghị mỗi bé giới thiệu nghề nghiệp của cha mẹ. Đến lượt con trai Phan Thanh Liêm, cậu bé hồn nhiên khoe: Bố con làm múa rối. Cô giáo cười, cả lớp cười. Cậu bé tưởng bị chế nhạo, nên từ đó mặc cảm về nghề của bố.

Khi chúng tôi sắp kết thúc buổi trò chuyện trong một quán nhỏ, bỗng nhiên ở bàn bên kia, một người phụ nữ  đi tới và hỏi: “Anh có phải nghệ sỹ rối nước Phan Thanh Liêm không, tôi thấy anh trên ti vi rồi, tôi rất yêu múa rối…”. Bà còn xin chụp ảnh với Phan Thanh Liêm.  Anh cười, nói: “May còn có những khán giả thế này khiến tôi vơi nỗi buồn thất nghiệp”.

Rối nước tư nhân 'đắp chiếu' mùa 'Cô Vy' ảnh 2 Sân khấu rối nước thu nhỏ sống nhờ khách nước ngoài
MỚI - NÓNG