Khám bệnh định kỳ là cách tốt nhất phát hiện mỡ máu và có cách kiểm soát nó. Ảnh: L.N.
“Rối loạn mỡ máu không miễn nhiễm với người trẻ tuổi”, bác sĩ Nguyễn Văn Hải- Trưởng Khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM cho biết khi bệnh nhân Trần Văn Nam, 18 tuổi ở quận 10 hỏi ông tại sao người trẻ cũng bị cholesterol trong máu quá cao. Ngày 17/11, Nam đến khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhân dân 115 khám tổng quát. Kết quả xét nghiệm máu của Nam cho thấy, nồng độ cholesterol toàn phần lên 9,5mmol/l trong khi trị số bình thường từ 3,9 đến 5,2 mmol/l. Theo bác sĩ Hải, chế độ ăn uống không hợp lý, uống rượu bia và hút thuốc lá nhiều khiến rối loạn mỡ máu gia tăng ở nhiều lứa tuổi.
Thấy đau đầu, mệt mỏi và hay tức ngực gần một tháng nay nên ngày 17/11, chị Đặng Thị Lệ Trinh, 34 tuổi ở quận 10 đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khám tổng quát. Xét nghiệm máu, chị Trinh phát hiện chỉ số mỡ máu cao gấp 3 lần bình thường. Bác sỹ Bùi Thế Hòa, chuyên khoa Tim mạch của bệnh viện cho biết, rối loạn mỡ máu là nguyên nhân làm cho cơ thể chị Trinh mệt mỏi và gây ra những cơn đau thắt ngực liên hồi. “Việc tăng mỡ trong máu hay tăng cholesterol máu là bệnh lý có diễn tiến âm thầm. Căn bệnh này dẫn đến cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, xơ vữa động mạch...”, bác sĩ Hòa cảnh báo.
Các bác sĩ ở Khoa Tim mạch của Bệnh viện Nhân dân Gia Định còn phát hiện cả những người nhồi máu cơ tim là những nhà tu hành ăn trường chay hay là những bệnh nhân mới 18 tuổi. Điển hình là ông Hồ Tấn Hùng, 57 tuổi ở quận 7, người ăn chay trường khi biết mình tăng mỡ máu cách đây 10 năm. Cứ tưởng bệnh đã “ngủ yên” thì mới đây, bỗng dưng ông bị dồn dập nhiều cơn đau thắt ngực, khó thở. Các bác sĩ thông báo ông Hùng bị nhồi máu cơ tim thể nhẹ do rối loạn mỡ máu. “Rối loạn mỡ máu diễn tiến âm thầm với các triệu chứng không rõ ràng khiến nhiều người chủ quan”- PGS- BS Đặng Vạn Phước- Chủ tịch Hội tim mạch TPHCM cảnh báo. Theo ông, thực tế cho thấy, nhiều người không ăn mỡ, trứng, thậm chí ăn chay trường hoặc người gầy… vẫn bị rối loạn mỡ máu. Bác sĩ Phước cho rằng, cholesterol có nguồn gốc từ thức ăn hằng ngày trong thịt, mỡ, trứng... (chỉ chiếm 20% cholesterol trong cơ thể) và do gan tự tổng hợp từ đường, đạm (chiếm 80% lượng cholestrol trong cơ thể). Vì thế, dù không ăn mỡ, nhiều người vẫn gặp phải rối loạn mỡ máu.
PGS.TS Nguyễn Thị Khuê - Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam cho biết rối loạn mỡ máu là thủ phạm hàng đầu kéo theo nhiều bệnh tật rất nguy hiểm. Theo bà Khuê, hiện có gần 6 triệu người bị tiểu đường. Trong khi TPHCM là nơi có tỷ lệ người bị rối loạn mỡ máu gia tăng nhanh, trên 300% trong khoảng 10 năm nay, còn cả nước tăng 211%. Trong khi đó, tỷ lệ gan nhiễm mỡ cũng ngày càng tăng với ước tính 10% - 24% số dân. “Các nghiên cứu cho thấy, có mối liên quan trực tiếp của rối loạn mỡ máu đến các bệnh lý gây tử vong. Điển hình như có đến 90% trường hợp nhồi máu cơ tim là do biến chứng của mảng xơ vữa và khoảng 93% bệnh nhân đột quỵ não có rối loạn mỡ máu”- GS Phạm Gia Khải- Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam thông tin.
GS Phạm Gia Khải cho rằng, quan trọng nhất để hạn chế tai biến mạch vành tim, tai biến mạch máu não và giảm tỷ lệ tử vong do biến chứng mạch máu là ngăn chặn rối loạn mỡ máu. “Đây là một bệnh mạn tính không điều trị khỏi được. Để giải quyết chỉ còn cách là thay đổi lối sống, chế độ ăn uống hợp lý tránh thực phẩm nhiều chất béo, giảm rượu bia, thuốc lá và tăng cường tập luyện thể thao. Nếu cách này không “ăn thua” thì mới chữa bằng thuốc”- GS Khải khuyên.