Cây thuốc này thường mọc ở đâu ? Hình dạng như thế nào và còn có thể dùng chữa những bệnh gì khác ?
(Lê Hoài Thu, Hà Đông, Hà Nội)
+ Đáp:
“Hổ trượng căn” là tên những người bán thuốc Đông y thường dùng để chỉ rễ của loài cây mà dân gian gọi là “cốt khí”. Củ (rễ) cốt khí là một vị thuốc dân gian thường dùng để chữa đau xương khớp, do phong thấp, bị ngã, bị thương,...
Cốt khí là cây mọc hoang ở nhiều nơi, đồng bằng và miền núi đều có. Cây còn được trồng ở nhiều nơi để lấy củ (rễ) làm thuốc. Cốt khí còn có tên "điền thất" (miền Nam), "hoạt huyết đan", "tử kim long", "ban trượng căn" .... Đông y Trung Quốc (Trung y) thường gọi là "hổ trượng căn". Tên khoa học là Polygonum cuspidatum Sieb et Zucc., họ Rau răm (Polygonaceae).
Cốt khí là một cây nhỏ sống lâu năm, thân mọc thẳng, thường cao 0,50-1m, có khi tới 2m. Thân không có lông, trên thân và cành thường có những đốm màu tím hồng. Lá mọc so le có cuống ngắn. Phiến lá hình trứng, rộng, đầu trên hơi thắt nhọn, phía cuống hoặc hơi phẳng hoặc hẹp lại, mép nguyên, dài 5-12cm, rộng 3,5-8cm, mặt trên màu xanh nâu đậm mặt dưới màu nhạt hơn. Cuống dài 1-3cm. Bẹ chìa ngắn. Hoa mọc thành chùm ở kẽ lá, mang rất nhiều hoa nhỏ. Cánh hoa màu trắng. Hoa đực có 8 nhị: hoa cái có bầu hình trứng với 3 cạnh, 3 núm. Quả khô, 3 cạnh, màu nâu đỏ.
Cần lưu ý, cái tên "cốt khí" còn hay dùng để chỉ một số cây khác, như "cốt khí muồng", "cốt khí dây", "cốt khí tím"; sẽ đề cập trong dịp khác.
Vị thuốc cốt khí đã được ghi trong bộ Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân từ thế kỷ 16. Theo Đông y, cốt khí có vị đắng, tính lạnh; vào các kinh Can, Đởm và Phế. Có tác hoạt huyết, giảm đau, thanh nhiệt, lợi tiểu, thông kinh. Dùng chữa những trường hợp kinh nguyệt bế tắc, kinh nguyệt khó khăn đau đớn, bị đòn ngã chấn thương đau nhức, thấp nhiệt hoàng đản, phế nhiệt khái thấu, đẻ xong huyết ứ, bụng trướng, tiểu tiện khó khăn...
Liều dùng: Ngày dùng 6-10g dưới dạng thuốc sắc, rượu thuốc hoặc hoàn tán.
Kiêng kỵ: Phụ nữ mang thai không dùng được.
Một số đơn thuốc sử dụng rễ cốt khí:
- Chữa phong thấp viêm khớp, đầu gối và mu bàn chân sưng đỏ đau nhức: Dùng độc vị cốt khí củ 15-20g, hoặc thêm đơn gối hạc 10-15g, sắc nước uống trong ngày.
- Chữa vàng da cấp tính do viêm gan siêu vi: Dùng cốt khí củ 12g, sắc nước uống trong ngày. Tại một bệnh viện ở TQ đã tiến hành điều trị thử nghiệm 300 ca, hiệu suất khỏi bệnh đạt 80%; sau 15-20 ngày da hết vàng, trung bình sau 34,5 ngày dùng thuốc bệnh khỏi hoàn toàn.
- Chữa viêm túi mật mạn tính: Dùng ô mai 250g, củ cốt khí 500g, mật ong 1000g. Cách chế: Cho ô mai và cốt khí vào nồi đất hoặc đồ gốm (không dùng đồ sắt), sắc kỹ với nước 3 lần, lấy nước cốt, bỏ bã, hợp 3 nước lại với nhau, cô nhỏ lửa cho đặc lại còn 500ml, cho mật ong vào trộn đều, đun sôi lại, cho vào lọ sạch, chờ nguội thì nút kín, bảo quản nơi thoáng mát hoặc trong tủ lạnh để dùng dần. Ngày uống 2 lần sau bữa ăn, mỗi lần lấy 1 thìa canh cao thuốc, hoà với nước sôi uống. Liên tục trong 3 tháng - 1 liệu trình.
- Chữa viêm gan kéo dài: Dùng củ cốt khí 500g, ngũ vị tử 250g, mật ong 1000g. Cách chế giống như trong mục "Chữa viêm túi mật mạn tính". Mỗi ngày uống 3 lần sau bữa ăn, mỗi lần lấy 1 thìa canh cao thuốc, hoà với nước sôi uống. Liên tục trong 2 tháng - 1 liệu trình.
- Chữa xơ gan: Dùng cốt khí củ 30g, đại táo (táo tầu) 30g, sắc nước uống mỗi ngày 1 thang .
- Chữa phụ nữ hành kinh đau bụng: Cốt khí củ 12g, ích mẫu thảo 12g, cam thảo 6g, sắc nước uống trong ngày. Dùng liên tục 3-5 ngày vào trước kỳ kinh (Kinh nghiệm dân gian).
- Chữa phụ nữ sau khi đẻ đầu choáng váng do huyết ứ: Dùng cốt khí củ phơi hoặc sấy khô, tán thành bột mịn, ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 3-4g, hòa cùng với rượu uống.
Lương y Hư Đan
Tri Thức Trẻ