Rất may trái bóng đã không chọn họ!

Rất may trái bóng đã không chọn họ!
TP - Thật khó để tìm điểm chung giữa cố Giáo hàng John Paul 2 với nhà văn- triết gia lừng danh người Pháp Albert Camus ngoài việc họ đều từng là thủ môn khi còn trẻ và suýt nữa trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.

Tam ca Pavarotti sẽ biểu diễn tại World Cup 2006
> Tổng thống Pháp hết lời sùng kính Albert Camus
> Vatican chiếu phim về Giáo hoàng John Paul II

Albert Camus (1913-1964), nhà văn đồng thời là triết gia nổi tiếng người Pháp gốc Algeria từng là thủ môn đội trẻ của Racing Universitaire d'Alger trong những năm từ 1928-1930. Chàng trai trẻ với dáng người mảnh khảnh lúc ấy thể hiện sự chắc chắn trong khung gỗ và được coi là tài năng hiếm có trong làng túc cầu xứ thuộc địa Algeria thời bấy giờ. Thế nhưng, căn bệnh lao mãn tính đã ngăn cản Albert Camus đi theo con đường trở thành cầu thủ chuyên nghiệp và bước sang một ngã rẽ khác của cuộc đời về văn chương và triết học.

Không được chơi bóng nhưng tình yêu là niềm đam mê của Albert Camus với một thể thao hấp dẫn nhất hành tinh vẫn còn nguyên vẹn. Khi chuyển tới thủ đô ánh sáng nước Pháp làm việc cho tờ Paris buổi tối, Camus thường xuyên tới sân Công viên các hoàng tử để cổ vũ cho đội Racing Club de Paris vì đội bóng này có màu áo giống CLB hồi trẻ của ông.

Dù có trở nên rất nổi tiếng nhưng Camus cũng không bao giờ quên trái bóng tròn. Khi một người bạn hỏi: “Anh thích gì nhất trên đời?”, nhà văn triết gia này đã trả lời không hề do dự: “Tất nhiên là bóng đá”. Thậm chí, trong bài phát biểu ngay sau khi nhận giải Nobel văn chương năm 1957, Albert Camus đã dành những lời cám ơn trân trọng nhất đến…bóng đá bởi: “Bóng đá đã giúp tôi có những bài học về đạo đức và lẽ sống. Tôi nợ trái bóng tròn nhiều lắm”.

Giáo hoàng John Paul 2
Giáo hoàng John Paul 2.

Cố Giáo hoàng John Paul 2 lúc thiếu thời từng là thủ môn của đội bóng trường tiểu học vùng Wadowice (Ba Lan) với cái tên hồi trẻ là Joseph Wojtyla. Dù chỉ thường xuyên vào sân từ băng ghế dự bị nhưng Wojtyla vẫn để lại ấn tượng bằng sự vững chắc trong khung gỗ và từng được một đội bóng chuyên nghiệp ngỏ lời mời kí hợp đồng. Đứng trước ngã ba đường, Wojtyla quyết định đi theo con đường học hành bằng cách ghi danh vào đại học Kraków và sau đó đi theo con đường tu hành rồi trở thành vị giáo hoàng đáng kính.

Nhưng dù ở địa vị cao quý, John Paul 2 vẫn không quên bóng đá. Theo tiết lộ của nhà báo Sean Ingle, một chuyên gia về tôn giáo của tờ nhật báo nổi tiếng Guardian (Anh), John Paul 2 rất hâm mộ hai CLB của Premier League là Fulham và Liverpool. Thủ môn Jerzy Dudek (người Ba Lan, đồng hương của Giáo hoàng) của đội bóng thành phố Cảng từng rất hạnh phúc khi trước trận đấu quan trọng được đại diện của Tòa thánh gọi điện đến để: “Gửi lời chúc may mắn của Giáo hoàng”.

John Paul 2 còn rất yêu thích Barcelona. Đức giáo hoàng thậm chí còn có thẻ hội viên mang số 108.000 của đội bóng vùng Catalan. Tờ Guardian đã ví von John Paul 2 là người gác đền vĩ đại của Chúa Trời.

Những nghệ sĩ suýt là cầu thủ

Một cái tên rất nổi tiếng khác cũng từng suýt nữa trở thành cầu thủ chuyên nghiệp: danh ca người Tây Ban Nha, Julio Iglesias. Khi còn trẻ, ông từng là thủ môn của lò đào tạo danh tiếng Real Castilla giống như hậu bối Iker Casillas sau này. Con đường trở thành cầu thủ chuyên nghiệp mở toang với Julio Iglesias nhưng một tai nạn giao thông khiến giấc mơ này trở thành dang dở.

Nam danh ca Julio Jglesias
Nam danh ca Julio Jglesias.

Rời xa khung gỗ, đôi găng và thảm cỏ xanh, Julio Iglesias buồn bã bỏ luôn khoa Luật của trường Đại học Tổng hợp Madrid và đi theo con đường ca hát. Từ đó, ông nổi danh như một ông vua nhạc latinh với những bản pop ballad trữ tình nhưng não nề về một niềm đau chôn giấu. Phải chăng, ước mơ không thành được tung hoành trên sân cỏ đã trở thành nỗi sầu thiên thu của ca sỹ-nhạc sỹ tài năng bậc nhất trong dòng nhạc latin này.

Trùng hợp làm sao khi một nghệ sỹ lớn khác là danh ca Luciano Pavarotti hồi nhỏ cũng từng là một thủ môn. Sinh ra ở thị trấn Modena (Italia), Pavarotti từng rất nổi danh trong đội bóng đá của vùng. Ước mơ của cậu bé lúc đó là được đi theo nghiệp cầu thủ và khoác áo đội bóng thần tượng Juventus. Nhưng đến tuổi trưởng thành, lúc mà những tay săn lùng tài năng của đội bóng hạng nhì Modena tới nhà thuyết phục cha mẹ Pavarotti đồng ý kí vào hợp đồng thi đấu chuyên nghiệp thì họ nhận được cái lắc đầu từ chối.

Danh ca Luciano Pavarotti (giữa)
Danh ca Luciano Pavarotti (giữa).

Ông Fernando Pavarotti, một thợ làm bánh mì nổi tiếng có giọng hát hay ở thị trấn thì tỏ ra hào hứng với viễn cảnh con trai mình trở thành cầu thủ nổi tiếng. Nhưng bà vợ Adelee một công nhân làm việc trong nhà máy thuốc lá lại không đồng ý vì cho rằng: “Bóng đá chỉ là trò chơi, không phải nghề nghiệp” nên dứt khoát hướng con mình tiếp tục con đường học tập để trở thành giáo viên.

Luciano Pavarotti nghe lời mẹ nhưng không trở thành người gõ đầu trẻ mà chú tâm vào phát triển sự nghiệp âm nhạc. Ông trở nên nổi tiếng và được đánh giá là giọng tenor xuất sắc hàng đầu thế giới. Tại World Cup 1990 ở Italia, Luciano Pavarotti trình diễn bản “Nessun dorma” xuất sắc đến nỗi mà một nhà bình luận của tờ Gezzetta dello Sport nói rằng “khúc ca này đã cứu vãn một mùa hè bóng đá buồn tẻ ở một kì World Cup 1990 có chất lượng chuyên môn khá thấp”.

Ca sỹ Bob Marley lúc chơi bóng
Ca sỹ Bob Marley lúc chơi bóng.

Bob Marley là một ví dụ tiêu biểu khác khi ca sĩ nổi tiếng của dòng nhạc Rock and Roll người Jamaica này thủa nhỏ cũng suýt lựa chọn con đường trở thành cầu thủ. Mặc dù sau đó nổi danh trong làng nhạc nhưng Bob Marley vẫn dành thời gian ít ỏi của mình để chơi bóng mỗi khi có thể. Phát ngôn nổi tiếng của ca sỹ này về bóng đá là: “Tôi yêu trái bóng vì khi vui đùa với nó tôi cảm thấy mình tự do, thanh thản nhất”. Hình ảnh Bob Marley vui đùa với trái bóng tròn thậm chí còn được in thành tem phát hành ở Jamaica, quê hương của chàng ca sĩ tài hoa yểu mệnh này (mất năm 36 tuổi).

Viết về những nhân vật nổi tiếng này nhà báo thể thao uy tín người Ý, Gabriele Marcotti đã phải cám khái thốt lên: “May mà trái bóng không chọn họ. Thế giới có thêm những vĩ nhân”. Nhưng biết đâu những Albert Camus, Joseph Wojtyla, Julio Iglesias, Luciano Pavarotti hay Bob Marley đi theo nghiệp “quần đùi áo số” họ lại đạt được những vinh quang lừng lẫy hơn thì sao…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.