Kết quả nghiên cứu “Điều tra sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam” do Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vừa công bố kết quả nghiên cứu cho thấy: Trong số những vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần, chỉ có 8,4% đã sử dụng bất kỳ một dịch vụ cung cấp sự hỗ trợ hoặc tư vấn các vấn đề về cảm xúc và hành vi trong 12 tháng qua.
Theo thông tin từ hội thảo, trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi chiếm 14.3% dân số Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta biết khá ít về tỷ lệ rối loạn tâm thần ở vị thành niên Việt Nam. Đây là một lỗ hổng nghiêm trọng vì nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng các rối loạn tâm thần ở tuổi vị thành niên, đặc biệt là những rối loạn tâm thần không được điều trị hoặc chưa được điều trị đúng cách, có thể gây ra những hệ quả bất lợi trong suốt cuộc đời. Một đánh giá tài liệu trước đây cho thấy ước tính tỷ lệ phổ biến khác nhau đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần ở Việt Nam, dao động từ 8% đến 29% .
Sự khởi phát của các triệu chứng rối loạn tâm thần có xu hướng xảy ra ở tuổi vị thành niên, mang đến cơ hội duy nhất để cung cấp các dịch vụ can thiệp sớm và chăm sóc sức khỏe tâm thần phù hợp với lứa tuổi vị thành niên. Điều trị và hỗ trợ hiệu quả có thể làm giảm hoặc giải quyết các triệu chứng và cải thiện chức năng, trong khi những trải nghiệm tích cực ban đầu khi tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe có khả năng thúc đẩy các hành vi tìm kiếm sự trợ giúp trong tương lai, giảm gánh nặng cho cá nhân và hệ thống y tế khi trưởng thành.
Ở Việt Nam, trong 12 tháng qua, chỉ 8,4% vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần đã tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn cho các vấn đề về cảm xúc và hành vi.
Xét tổng thể, chỉ 6,5% vị thành niên đã sử dụng dịch vụ trong 12 tháng qua, không có sự khác biệt giữa nam (7,4%) và nữ (5,5%).
Trong số những trẻ vị thành niên đã sử dụng dịch vụ, hầu hết các bậc cha mẹ cho biết rằng những dịch vụ này hữu ích hoặc rất hữu ích (80,0%).
Về tần suất sử dụng dịch vụ trong 12 tháng qua, số liệu thu được sau nghiên cứu cho thấy hơn một nửa (50,8%) vị thành niên này chỉ sử dụng dịch vụ một lần, trong khi một phần tư (26,2%) đã sử dụng dịch vụ từ hai đến bốn lần. Rất ít (3,4%) vị thành niên đã tiếp cận các dịch vụ từ 5 lần trở lên.
Khi được hỏi nhà cung cấp dịch vụ nào được sử dụng nhiều nhất trong 12 tháng qua, hơn một nửa số cha mẹ (56,2%) có vị thành niên tiếp cận dịch vụ trong 12 tháng qua cho biết đó là từ bác sĩ hoặc y tá (Bảng 13)
Vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần đã tiếp cận các dịch vụ có nhiều khả năng báo cáo tình trạng suy giảm hơn là những người không tiếp cận dịch vụ. (Hình 3)
Chỉ 5,1% cha mẹ xác định rằng vị thành niên của họ cần được giúp đỡ với các vấn đề về cảm xúc và hành vi trong 12 tháng qua, mặc dù 21,7% thanh thiếu niên đã mắc phải vấn đề sức khỏe tâm thần trong cùng thời kỳ.
Từ kết quả điều tra cho thấy, mức độ phổ biến các vấn đề sức khỏe tâm thần trong vị thành niên ở Việt Nam là một vấn đề sức khỏe cộng đồng cần được lên kế hoach và hoạch định chính sách quan tâm và theo dõi sát sao. Đồng thời từ phía gia đình , những người tiếp xúc hằng ngày với trẻ như cha mẹ cần phải hết sức lưu ý hỗ trỡ, chia sẻ cho trẻ vị thành niên mọi lúc về mặt tinh thần, quan tâm và phát hiện sớm những biểu hiện khác lạ trong cảm xúc của trẻ để có những biện pháp phối hợp điều trị kịp thời.
Đối với những gia đình có con em có biểu hiện mắc chứng rối loạn tinh thần cần tìm hiểu kỹ, gặp bác sĩ để cùng lên những phướng án hỗ trợ tối ưu nhất.
Việc trẻ vị thành niên bị rối loạn sức khỏe tâm thần ít tiếp cận và sử dụng dịch vụ hỗ trợ (8,4%) là do các em vẫn còn thiếu hiểu biết về vấn đề sức khỏe tâm thần của bản thân. Vì vậy, việc nâng cao kiến thức cho các em về sức khỏe tâm thần là rất cần thiết.