Dự thảo Nghị định quản lý và kinh doanh vàng:
Rất ít doanh nghiệp đủ điều kiện
Cụ thể, để được cấp phép sản xuất vàng miếng, các doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện: Có đăng ký hoạt động sản xuất vàng miếng; Có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên; Chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong 3 năm liên tiếp gần nhất. Theo căn cứ này, số lượng doanh nghiệp được phép sản xuất vàng miếng sẽ giảm đáng kể. Đồng thời, việc sản xuất vàng miếng được thực hiện theo hạn mức do NHNN cấp từng lần; DN phải có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Hiện có 8 tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng đã được NHNN cấp phép sản xuất vàng miếng, nhưng với điều kiện mới trên, theo NHNN, sẽ sàng lọc chỉ còn một nửa.
Để bảo đảm quyền tích trữ, mua bán vàng của người dân, dự thảo Nghị định quy định các điều kiện kinh doanh mua bán vàng miếng của tổ chức tín dụng (TCTD) tương đối thuận lợi để dựa vào mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch của TCTD thực hiện mua bán vàng với người dân. Đồng thời, để tăng cường hiệu quả quản lý, dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định: hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được NHNN cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Ngoài ra, dự thảo Nghị định quy định các doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ có trách nhiệm: Niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch về khối lượng, hàm lượng vàng, giá mua, giá bán các loại sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm bán ra thị trường.