Ráo riết tìm tài trợ cho các dự án metro

Ráo riết tìm tài trợ cho các dự án metro
TP - Hôm nay, TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức đồng thời hai cuộc hội thảo lớn về đường sắt đô thị (metro): Báo cáo cuối kỳ dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án và hội thảo về đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 2.
Ráo riết tìm tài trợ cho các dự án metro ảnh 1
Đường sắt đô thị là một trong những phương tiện giao thông chủ lực tại Nhật Bản

Ngoài dự án xây dựng tuyến metro số 1 (còn gọi là tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên) đã được khởi công xây dựng vào tháng 2/2008, TP Hồ Chí Minh đang ráo riết tìm kiếm các nguồn vốn tài trợ để triển khai thực hiện hàng loạt dự án metro khác như tuyến số 2, số 4, số 5 và số 6.

Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản yêu cầu lãnh đạo các sở ngành chức năng rà soát kết quả triển khai thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về một số vấn đề “nóng”, trong đó có các dự án metro.

Theo báo cáo của UBND thành phố, tổng nhu cầu vốn dự kiến cho các dự án metro tại thành phố từ nay đến năm 2020 là gần 5,5 tỷ USD, trong đó vốn vay ODA là hơn 4,3 tỷ USD (chiếm từ 78 - 80%), còn lại là vốn đối ứng trong nước.

Hiện, đã có 4 dự án được nghiên cứu với nhu cầu vốn đạt gần 4,3 tỷ USD, bao gồm: Dự án tuyến số 1 với tổng mức đầu tư gần 1,1 tỷ USD đã khởi công; dự án tuyến số 2 với tổng mức đầu tư dự kiến 1,25 tỷ USD; dự án tuyến số 3 dự kiến cần có 880 triệu USD và dự án tuyến số 4 cần 1,038 tỷ USD.

Căn cứ kế hoạch huy động tài trợ cho các dự án metro tại TP Hồ Chí Minh của Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch- Đầu tư, mới đây, UBND thành phố đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đưa tuyến metro số 4 vào danh mục huy động các nguồn tài trợ khác từ Nhật Bản, Tây Ban Nha.

Tuyến metro này trước đó đã có nhà tài trợ SEFECO (Trung Quốc) “đánh tiếng”.

Lý giải vì sao không để nhà tài trợ này thực hiện, một lãnh đạo Sở GTVT tiết lộ: Sau khi làm việc, xem xét khả năng tài chính của SEFECO, UBND TP Hồ Chí Minh  đã yêu cầu nhà tài trợ phải đáp ứng các điều kiện vay ưu đãi tương tự như điều kiện vay vốn ODA của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC). SEFECO đã ghi nhận nhưng đến nay vẫn chưa hồi đáp, trong khi TP Hồ Chí Minh đang cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án metro.

Đối với tuyến metro số 2, UBND thành phố cho biết vào tháng 7/2008, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo các bộ ngành chức năng và TP Hồ Chí Minh xem xét, ưu tiên cho Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức làm nhà tài trợ xây dựng tuyến metro này theo như cam kết trước đó giữa hai Chính phủ.

Sở GTVT cho biết hiện nay, UBND thành phố đã thành lập tổ đàm phán, tiếp tục làm việc với phía Đức để yêu cầu được tài trợ đủ vốn cho tuyến metro số 2 với các điều kiện ưu tiên và sắp tới sẽ báo cáo kết quả đàm phán và xin ý kiến Thủ tướng để thực hiện.

Ngoài ra, Tây Ban Nha mới đây cũng đã có thư đề nghị được tham gia các dự án metro. UBND thành phố cho biết đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố được hồi đáp và đề nghị phía bạn có thể nghiên cứu và lập dự án đầu tư một tuyến metro trong số các tuyến đã được quy hoạch nhưng chưa được đầu tư; chẳng hạn như tuyến metro số 5 và 6.

Nếu được chấp thuận, sắp tới phía Tây Ban Nha sẽ lập các phương án kỹ thuật và thu xếp tài chính để đề xuất với Chính phủ Việt Nam. Trên cơ sở đó, UBND thành phố sẽ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin tiếp nhận dự án.

MỚI - NÓNG