Khu vườn đặc biệt này do các bạn trẻ của dự án “Cộng đồng không rác” tại Đà Nẵng lập ra, chào đón tất cả mọi người.
Gom rác, góp công
Chị Vũ Hồng Thanh, người đồng sáng lập dự án cho hay, mô hình vườn cộng đồng này đã có ở các nước, còn Việt Nam thì rất ít. Đầu năm 2022, tình cờ biết được khu đất trống trên đường Morrison, các thành viên trong dự án đã liên hệ với chủ đất để mượn làm vườn.
Chị Thanh nhớ lại, khu đất gần 350m2 lúc đó ngập ngụa rác, xà bần và cỏ cao lút đầu người. Cả nhóm phải bỏ công dọn dẹp mấy ngày trời mới có mặt bằng sạch sẽ. Vì là vườn cộng đồng, nên yếu tố quan trọng là sự tham gia của người dân. Mọi người chia nhau đi kêu gọi từng nhà, vận động bà con phân loại rác, cùng chăm cây và thu hoạch. Cuối cùng có 30 hộ dân tham gia.
Một góc vườn xanh tươi, cây được bón phân ủ từ rác của các hộ gia đình. Ảnh: T.T |
Cứ cuối chiều, các thành viên tới nhà dân đưa rác đã phân loại về vườn. Rễ, hạt của một số loại rau củ được chọn ra để trồng. Rác hữu cơ (thân rau, vỏ quả, thức ăn thừa…) được ủ thành phân ngay dưới những chiếc hố được đào trong vườn. Vỏ lon, giấy… cho những người bán ve chai. Còn một số hộp xốp, vỏ hộp sữa…được đưa tới một điểm thu gom khác để họ tái chế.
“Mới đầu bà con cũng phàn nàn vì rác trước nay cho hết vào thùng, giờ phải phân loại rất mất công. Nhưng khi họ tới vườn, thấy được “kiếp sau” của rác thì ai cũng đồng tình. Những hộ có thời gian còn tự mang rác tới tận vườn”, chị Thanh kể.
Hiện vườn được bố trí các khu vực bỏ rác vỏ lon, rác giấy bìa, khu ủ rác hữu cơ giúp người dân mang rác tới để đúng nơi. Trong vườn chia thành 3 khu trồng cây dược liệu, hoa và các loại rau màu. Ngoài ra còn có khu vực sân chơi làm từ vật liệu tái chế - xích đu và bập bênh làm từ sắt thu mua ở các vựa ve chai, bàn ghế ngồi làm từ lốp xe.
Bà con và các tình nguyện viên mỗi người góp một cây giống trồng trong vườn, rồi lấy phân ủ từ rác mình gom góp để bón cho cây. Khu đất bỏ hoang thoáng chốc nảy những mầm xanh, cho rau, cho quả. Nhìn thành quả khu vườn từ đống rác mà lâu nay mình bỏ đi, ai nấy trầm trồ. Ngày ngày họ lại ra nhổ cỏ, tưới nước rồi hái những mớ rau lang, rau cải, cà chua…sạch lành. Lũ trẻ con trong xóm còn hăng hái đi quét lá cây về, cùng mọi người ủ phân hữu cơ.
Bà Lưu Thị Thắng (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), chia sẻ trước đây rác sinh hoạt trong nhà bà đều để chung và đợi nhân viên thu gom đi lấy mỗi ngày. Cũng như bao người, bà quan niệm rác chỉ để vứt bỏ. Cho tới khi các bạn trẻ tới và lập ra khu vườn này, bà biết rác còn có ích nếu chúng ta biết biết cách sử dụng.
“Từ lúc có khu vườn này, ngày nào tôi cũng phân loại rác, nhất là rác hữu cơ phải để riêng để ủ phân. Chỉ cần chịu khó một chút là có được khu vườn xanh, cho rau trái an toàn”, bà Thắng nói.
Lan toả được ý thức bảo vệ môi trường
Chị Thanh nhẩm tính, rác của các hộ gia đình tham gia vườn cộng đồng được chia làm 4 loại. Trong đó rác tái chế giá trị cao (vỏ lon, chai nhựa, giấy bìa các loại) 15%, nhựa giá trị thấp 10% (các loại bao bì, hộp xốp, vỏ hộp sữa), rác chôn lấp 20%, còn lại 55% là rác hữu cơ. Mỗi ngày, các thành viên gom được khoảng 40kg rác hữu cơ từ 30 hộ dân về ủ tại vườn. Tính từ tháng 5/2022 đến nay, dự án đã ủ được gần 10 tấn rác. Ngoài ra, 500kg rác nhựa giá trị thấp đã được chuyển tới điểm thu gom để họ tái chế, kéo dài vòng đời của nhựa thay vì mất tới 80 - 120 năm phân hủy khi bị đem tới bãi chôn lấp. “Đó là những con số không lớn, nhưng đối với môi trường, nó không hề nhỏ. Lượng rác mà vườn đã xử lý vừa có ích khi trồng trọt, vừa giảm tải cho môi trường”, chị Thanh khẳng định.
Hiện tại, “Cộng đồng không rác” tại Đà Nẵng có hơn 1.500 thành viên, phần lớn là học sinh, sinh viên, hộ gia đình. Khi có các hoạt động liên quan tới môi trường, các bạn đều hăng hái tham gia.
Chị Thanh cho biết, mô hình vườn cộng đồng tại đường Morrison đã giúp bà con ý thức hơn trong việc phân loại rác, biết cách sử dụng rác có ích. Chị kỳ vọng từ khu vườn này, người dân sẽ lan tỏa được ý thức bảo vệ môi trường, lập thêm những khu vườn tiếp theo để cả cộng đồng cùng chung tay.