Rà soát dự án BT, việc sử dụng đất công lãng phí

Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng bên lề kỳ họp. Ảnh Như Ý
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng bên lề kỳ họp. Ảnh Như Ý
TPO - Quốc hội yêu cầu có biện pháp quản lý để hạn chế tình trạng đầu cơ đất đai gây tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản; rà soát lại quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, các dự án BT có liên quan đến đất đai, việc sử dụng đất công lãng phí.

Sáng 5/6, phát biểu phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên chất vấn của Quốc hội đối với nhóm vấn đề này đúng vào Ngày Môi trường Thế giới nên dành được không ít sự quan tâm của đại biểu.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, tranh luận thẳng thắn theo đúng tinh thần đổi mới trong hoạt động chất vấn của Quốc hội. Các đại biểu đã đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào những vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.

“Đây là lần thứ 2 Bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng đã nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, thẳng thắn nhận trách nhiệm đối với những mặt còn hạn chế, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực trong thời gian tới”, bà Ngân đánh giá.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đất đai và môi trường là những vấn đề liên quan chặt chẽ, mật thiết tới đời sống nhân dân, gắn với sự phát triển bền vững của đất nước nên được các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Thời gian qua, công tác quản lý đất đai từng bước được triển khai chặt chẽ, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020 đã được các địa phương cơ bản hoàn thành; hoạt động kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về đất đai, bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm, phòng chống biến đổi khí hậu cũng còn không ít tồn tại, hạn chế, bất cập như nhiều đại biểu đã chất vấn cần có các giải pháp thiết thực để tạo chuyển biến tích cực trong thời gian tới cả trước mắt và lâu dài.

Trên cơ sở đó, chủ tọa phiên chất vấn đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội,chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong đó, tập trung rà soát, đánh giá đầy đủ tình hình triển khai thi hành pháp luật về đất đai.

Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, quản lý về đất đai trên phạm vi cả nước, nhất là quỹ đất dùng cho mục đích công cộng ở các thành phố lớn; có biện pháp quản lý để hạn chế tình trạng đầu cơ đất đai gây tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản; rà soát lại quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, các dự án BT có liên quan đến đất đai, việc sử dụng đất công lãng phí; chấn chỉnh, lập lại trật tự, kỷ cương quản lý đất ven sông, ven biển;

Xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đất đai, nhất là người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý đất đai để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền; kiên quyết xử lý, thu hồi theo quy định của pháp luật đối với đất để hoang hóa, lãng phí, chậm đưa vào sử dụng;

Tập trung rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; triển khai thực hiện các chương trình quan trắc và cảnh báo môi trường nhất là tại các thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường; rà soát, đánh giá hoạt động của các cụm công nghiệp ở các địa phương; giám sát hoạt động xả thải của doanh nghiệp...

Làm tốt công tác đánh giá tác động môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường ngay từ khâu này; kiểm tra, giám sát việc đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường trong việc nhập khẩu, triển khai các dự án, rà soát, quản lý chặt việc nhập khẩu phế liệu, không nhập khẩu chất thải; đánh giá, phân loại nhà đầu tư, không triển khai các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường;

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, chú trọng thanh tra đột xuất các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm. Sớm xây dựng quy định giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.

Phiên chất vấn đối với nhóm nội dung thứ hai kết thúc, Quốc hội chuyển sang chất vấn đối với nhóm nội dung thứ 3 liên quan đến Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.