Ra khơi, bám biển

Ra khơi, bám biển
Chưa bao giờ ngư dân ở tỉnh Trà Vinh đối mặt nhiều khó khăn như hiện nay: Nguồn lợi hải sản giảm, giá nhiên liệu và vật tư đánh bắt tăng. Nhưng cũng chưa lúc nào ngư dân và các cấp chính quyền lại quyết tâm vượt khó khăn như lúc này.

Chương trình Xúc tiến thương mại thị trường trong nước

Ra khơi, bám biển

Chưa bao giờ ngư dân ở tỉnh Trà Vinh đối mặt nhiều khó khăn như hiện nay: Nguồn lợi hải sản giảm, giá nhiên liệu và vật tư đánh bắt tăng. Nhưng cũng chưa lúc nào ngư dân và các cấp chính quyền lại quyết tâm vượt khó khăn như lúc này.

Tình hình khó khăn của nghề đánh bắt trên biển có thể hình dung qua lời của ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch UBND thị trấn Định An (Trà Cú, Trà Vinh), nơi có 177 tàu công suất mỗi chiếc 75 CV - 350 CV, phần lớn là tàu đánh bắt xa bờ, ông Cảnh cho biết: “Khi giá xăng dầu tăng thì giá nước đá ướp hải sản và các vật phẩm thiết yếu phục vụ cho đi biển cũng tăng thêm 10 - 15%. Lại còn thời tiết bất thường làm cho nhiều tàu phải nằm bờ, thời gian bám biển ngắn, sản lượng đánh bắt giảm”.

Tàu khai thác biển ở bến Định An
Tàu khai thác biển ở bến Định An. Ảnh: Diệu Hiền

Anh Đồ Văn Út ở ấp Bến Tranh, xã Định An (Trà Cú) có 2 cặp tàu làm nghề lưới kéo đôi (cào đôi), công suất 350 - 420 CV, mỗi chiếc có 14 thuyền viên. Anh tính toán cụ thể, khi dầu còn giá cũ, mỗi chuyến biển mỗi chiếc tàu chi phí khoảng 180 triệu đồng, thời gian đi biển từ 12 - 15 ngày, trừ chi phí lời 35-40 triệu đồng/chiếc. Khi giá dầu tăng, nhiều thứ vật tư phục vụ đánh bắt cũng tăng theo. Chẳng hạn, lưới để đan thành miệng cào, trước đây 75.000 - 77.000 đồng/kg nay tăng lên 120.000 - 130.000 đồng/kg (tùy theo kích thước mắt lưới); dây neo kim loại từ 45.000 đồng/kg tăng lên 55.000 đồng/kg; chân vịt tàu từ 150.000 đồng/kg tăng lên 165.000 đồng/kg; nước đá từ 12.000 đồng/cây lên 13.000 đồng/cây. “Nên phải tính toán kỹ càng, các tàu khi ra biển khi đi lại tìm luồng cá cũng phải tìm cách tiết kiệm, giảm chi phí thì mới có hiệu quả’, anh Út nói.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Hạnh ở thị trấn Định An, xã Định An (Trà Cú) tâm sự: “Đây là thời điểm khó khăn, mỗi khi ra biển phải tính toán kỹ chi phí, không khéo dễ bị thua lỗ”. Ông Hạnh có 4 tàu chuyên nghề lưới vây, công suất mỗi chiếc 250 - 380 CV. Trong đó, có 1 tàu làm dịch vụ hậu cần trên biển: chuyển dầu, nước đá, vật phẩm thiết yếu ra biển và chuyển sản phẩm vào bờ, nhằm làm giảm chi phí, nhờ đó đội tàu khai thác mới có hiệu quả, không bị lỗ.

Các tàu ra biển còn tránh kiểu đi hàng loạt khá tốn kém như trước đây, mà tổ chức tàu đi thăm dò trước. Ông Cam Văn Hùng, GĐ Bến cá Định An ở thị trấn Định An (Trà Cú), cho biết cụ thể về phương thức này: Những ngư dân có nhiều tàu, chỉ đưa 1 chiếc ra biển, khi phát hiện luồng cá, đánh bắt có hiệu quả mới thông tin cho số tàu nằm bờ ra biển đánh bắt.

Ông Nguyễn Văn Ngon, Phó chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, cho biết: Hiện toàn tỉnh có trên 1.300 tàu với tổng công suất trên 65.000 CV, trong đó có 142 tàu khai thác xa bờ, công suất 90 - 350 CV (chiếm 11% tổng số tàu). Để vượt qua khó khăn hiện nay, Chi cục phối hợp với các địa phương vận động ngư dân tham gia thành lập các tổ - đội khai thác trên biển nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất; hỗ trợ nhau khi gặp nạn, gặp thời tiết gió bão, tàu bị hỏng máy. Mô hình này đã phát huy hiệu quả, nhiều tàu là thành viên của tổ - đội khai thác đánh bắt khá hiệu quả, một số tàu giảm chi phí từ 40 - 60 triệu đồng/chuyến biển (10 - 15 ngày).

Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh vừa có văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT trình Chính phủ có chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho ngư dân; chỉ đạo đơn vị chuyên môn lập dự án đầu tư khoảng 30 tàu đánh bắt xa bờ. Bên cạnh, mở các lớp tập huấn tay nghề đánh bắt, các lớp thuyền - máy trưởng miễn phí cho ngư dân.

Diệu Hiền

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG