Ra đi để trở về - Nhìn từ một doanh nhân Việt kiều

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao dự án xử lý rác hiện đại của ông David Dương ở TPHCM trong chuyến thăm đầu năm 2014. Ảnh: L.N
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao dự án xử lý rác hiện đại của ông David Dương ở TPHCM trong chuyến thăm đầu năm 2014. Ảnh: L.N
TP - Đầu tư về quê hương, đối với ông David Dương - Việt kiều Mỹ đó là mong muốn góp chút sức mình cho nơi chôn nhau cắt rốn. Bảy năm khi bắt đầu đổ tiền vào dự án Khu Liên hợp xử lý Chất thải rắn Đa Phước tầm cỡ Đông Nam Á ở TPHCM, giờ đây ông David Dương “tự phục mình” bởi quyết định này là đúng đắn.

Ra đi…

Khi lên 18 tuổi, ông David Dương cùng gia đình sang Mỹ định cư trong điều kiện kinh tế khó khăn. Ngày cắp sách đến trường, đêm lại tất bật với anh chị em, bố mẹ đi thu gom phế liệu. “Gia đình đã khởi đầu cuộc sống trên đất Mỹ bằng cách mua lại một chiếc xe tải đã qua sử dụng để anh em trong nhà thay phiên đi gom nhặt rác" - David Dương nhớ lại. 

Cho đến năm 1981, khi gia đình đã dành dụm được một số vốn, việc thu gom cũng được mở rộng ra thêm. Một năm sau đó, gia đình ông quyết định thuê một kho bãi để các xe tải đi thu gom rác về đưa vào dự trữ. Sau đó họ đã thành lập công ty để vào nghề với tên gọi là East West Recycling.

Ra đi để trở về - Nhìn từ một doanh nhân Việt kiều ảnh 1

Ông David Dương

Năm 1983, Công ty East West được đổi thành Cogido Paper Corp và ông David Dương làm Giám đốc điều hành. Đây cũng là công ty của người Việt đầu tiên chuyên đầu tư dây chuyền phân loại và đóng kiện phế liệu có thể bán được trên đất Mỹ.

Sau nhiều năm lặn lội với nghề và tạo được một cơ sở vững chắc, đầu năm 1992, David Dương đã thành lập công ty CWS và được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc điều hành. Đến nay, công ty CWS được công nhận là thành viên thứ 31 của 100 công ty hàng đầu trong ngành thu gom vận chuyển và xử lý rác tại Hoa Kỳ.

Gần 30 năm sau ngày cùng gia đình sang định cư tại Mỹ, năm 2004 David Dương trở về TPHCM. Khát khao được chung tay xây dựng quê hương càng thôi thúc ông. “Tôi luôn tâm niệm dù ở đâu đã là con Rồng cháu Tiên thì phải yêu giống nòi. Đó là lý do tôi quyết định trở về nước đầu tư vào lĩnh vực xử lý môi trường vốn giúp tôi thành danh trên đất Mỹ” - ông Dương chia sẻ.

Và trở về

Khu Liên hợp xử lý Chất thải rắn Đa Phước do Công ty TNHH xử Lý Chất thải rắn Việt Nam - VWS của ông Dương đầu tư có tổng vốn 150 triệu USD. Nó tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng hằng năm, nhưng theo ông David Dương cái quan trọng nhất là TPHCM đã có một khu xử lý rác hiện đại với công nghệ tiên tiến của thế giới. 

“Mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận và xử lý hơn 3 nghìn tấn rác của thành phố. Rác không chỉ được chôn lấp xử lý theo tiêu chuẩn công nghệ cao mà nó còn tạo ra nhiều lợi ích ở đây”- ông Dương nói.

Sau khi xử lý, một lượng rác được nhà máy phân loại làm phân compost, nước rỉ từ rác được xử lý qua công nghệ hiện đại để dùng lại cho các sinh hoạt. Đặc biệt cuối năm nay, nhà máy phát điện với công suất 12MW từ rác cũng được vận hành và hòa vào điện lưới quốc gia.

Để có một nhà máy hiện đại như thế là tâm huyết của gia đình, nhưng theo ông Dương quan trọng là chính sách thông thoáng cho những kiều bào như ông về quê hương đầu tư. “Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều kiều bào về nước, đầu tư làm ăn ở quê hương. Điều này cho thấy các chính sách của Nhà nước triển khai ngày càng phù hợp, đúng hướng và đúng nguyện vọng của kiều bào”- ông Dương nói. 

Là một doanh nhân Việt kiều, ông Dương cho biết ai cũng mong muốn đóng góp nhiều cho quê hương thông qua các hoạt động từ thiện và đầu tư. Không chỉ ông David Dương, nhiều doanh nhân Việt kiều ở Mỹ rất phấn khởi vì những năm qua Chính phủ luôn có những chính sách quan tâm đến kiều bào.

Theo ông Dương nhiều kiến nghị của đông đảo kiều bào đã được Chính phủ giải quyết, tạo niềm tin cho cộng đồng kiều bào về quê hương đầu tư. Đó cũng là lý do năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho ông Dương xây dựng Dự án “Khu Công Nghệ Môi Trường Xanh” tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An với diện tích 1.760 ha. 

Đây là dự án đã được Chính phủ quy hoạch là khu xử lý chất thải cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với vốn đầu tư lên đến 700 triệu USD, thời gian đầu tư 20 năm, thời gian tiếp nhận và xử lý rác từ 70 - 100 năm theo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường của Mỹ. 

Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt kiều tại Hoa Kỳ, ông David Dương không chỉ thúc đẩy sự gắn kết những người con xa xứ mà luôn nỗ lực để kiều bào hiểu được mình là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt, là nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam với các nước.

Trong chuyến chúc Tết và làm việc với lãnh đạo VWS tại Khu Xử lý rác Đa Phước vào ngày 3 Tết Giáp Ngọ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao dự án xử lý rác của ông Dương và đánh giá đây là dự án thành công của kiều bào đầu tư về nước, với công nghệ hoàn chỉnh, tiên tiến nhất, đạt yêu cầu về môi trường cao nhất cho đến thời điểm này tại Việt Nam. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị TPHCM tiếp tục giải quyết việc nhập nguyên liệu cho nhà máy tái chế nhưng phải kiểm soát chặt môi trường, đồng thời khuyến khích các tỉnh thành trong cả nước học hỏi mô hình này.

MỚI - NÓNG