Những ngọn đèn trước gió - Kỳ 10

Ra đi bất ngờ trong đêm

Ra đi bất ngờ trong đêm
TP- Chỉ trong một đêm mà hai người tôi quen biết bấy lâu nay chết. Có ai đó nói về các bệnh nhân ung thư máu rằng: mùa xuân là mùa nhập viện còn mùa hè là mùa ra đi.

>> Kỳ 9: Chuyện tình cảm động của anh Nam

Ra đi bất ngờ trong đêm ảnh 1
Nguyễn Văn Toán tại biển Nam Định. Ảnh: PV

Liệu đó có phải là kinh nghiệm được đúc kết lại từ rất nhiều bệnh nhân chữa trị ở đây không?

Trong đêm khuya vắng lặng, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe rõ tiếng ho của Huỳnh. Từ ngày nhập viện đến giờ, Huỳnh vẫn ho như vậy. Mẹ bạn ấy khi đến thăm tôi nói là Huỳnh cũng sốt cao và ho rất nhiều mặc dù vẫn chưa phải truyền hoá chất.

Sáu ngày nay, tôi vẫn sốt và chưa thể ra khỏi phòng được. Không biết giờ này Huỳnh ra sao? Chắc là bạn ấy cũng đang mệt như tôi thôi.

Anh Mạnh đêm qua cũng sốt nhưng cơn sốt của anh chỉ kéo dài trong một ngày. Đêm nay, tôi thấy anh đang ngủ ngon lành. Còn tôi thì không muốn ngủ. Tôi sợ nếu ngủ, tôi sẽ mãi mãi không thể mở mắt ra được giống như anh Nam.

Lúc này đây, tôi mới thực sự cảm nhận rõ được ranh giới giữa sự sống và cái chết đối với tôi thật mong manh. Những kỉ niệm cứ lần lượt ùa về trong tâm trí tôi.

Tôi nhớ những trò chơi mà ngày nhỏ những đứa trẻ như tôi thường hay nô đùa trong những đêm trăng sáng. Tôi nhớ đến thời đi học, nhớ những ngày mùa vất vả, mùi lúa mới thơm thoang thoảng tạo cho tôi cái cảm giác lâng lâng thật khó diễn tả. Tôi không sao quên được những trận bóng đá đầy hào hứng, vui vẻ của lớp 12A1 sau những buổi chiều tan học...

Nhưng hình như, tôi sắp phải mang theo những kỉ niệm đẹp ấy đến một nơi thật xa lạ. Theo Kinh Thánh thì nơi đó mới thực sự là cuộc sống vĩnh cửu của con người.

Lạy Chúa! Con chưa muốn phải rời xa thế giới này. Con không phải là một người quá tham lam vì con biết trên thế giới này đang có rất nhiều người cũng bị bệnh giống như con. Con chỉ xin Người hãy để cho con được làm một điều gì đó trên cõi đời này, dù đó là nhỏ bé nhưng cũng đủ làm cho con thấy hạnh phúc.

Khoảng hai giờ sáng, tôi không thể nào cưỡng lại được cơn buồn ngủ. Khá lâu rồi, tôi không ngủ được. Chỉ được khoảng một lúc, tôi phải thức dậy bởi tiếng ai đó đang khóc to quá.

Tôi mở to mắt và cố phán đoán xem âm thanh đó được phát ra từ căn phòng nào. Cũng gần với phòng tôi. Lẽ nào là Huỳnh? Không thể như thế được. Vì, trong tiếng khóc, tôi nghe rõ tiếng người phụ nữ đang gọi bố mình.

Tôi hỏi mẹ tôi:

- Ai đang khóc đấy hả mẹ?

- Chị Phượng đấy. Bác Kiên sắp mất rồi con ạ!

Nghe mấy người ngồi ngoài hành lang xì xào với nhau là bác Kiên bị xuất huyết não. Bác sĩ không còn cách nào cứu được nữa, người ta đang chuẩn bị đưa bác về nhà.

Khó tin quá! Sáng nay, bác gái còn bế cậu con trai vào viện thăm bác trai. Ban chiều bác Kiên còn sang phòng động viên tôi cố gắng. Tôi thấy bác vẫn khoẻ mạnh. Gặp con trai, bác càng vui mừng. Vậy mà giờ đây, bác lại sắp phải xa mọi người mãi mãi.

Dường như chị Phượng không tin vào những gì đang diễn ra.

- Không! Bố tôi vẫn chưa chết, bố tôi không thể chết được. Xin hãy cứu lấy bố tôi!

Khoảng ba giờ sáng, mọi người đưa bác Kiên về nhà. Bệnh viện yên ắng trở lại. Có lẽ, chứng kiến cảnh một người đang hấp hối, cảnh một người được bệnh viện đưa về đã trở nên quen thuộc với những người ở đây.

Huỳnh biết mình sắp chết nhưng lại không tỏ ra cho ai biết. Nếu là Huỳnh khi đó, khi mà sự sống chỉ còn được tính bằng ngày, bằng giờ, tôi sẽ làm sao đây?

Chẳng lẽ tôi lại cứ khóc lóc mà oán trách cuộc đời sao quá bất công với mình ư?

Không, chắc tôi cũng giống Huỳnh. Tôi sẽ cố gắng tận dụng quãng thời gian ngắn ngủi còn lại để cảm nhận những gì tốt đẹp trên thế gian này, cố gắng hoàn thành ước nguyện của mình.

Khoảng ba mươi phút sau, mọi việc lại diễn ra đúng với những gì thường có. Tiếng ngáy lại vang lên, tiếng người ho dồn dập, khản đặc cứ như kiểu vừa phải kìm nén giờ mới có cơ hội.

Nhớ lại những gì vừa mới xảy ra, tôi thấy bác Kiên thật đáng thương. Chị Phượng - con gái bác vẫn chưa tốt nghiệp đại học. Cậu con trai của bác thì còn nhỏ quá, chưa đầy hai tuổi.

Tôi tự hỏi: “Nếu bác Kiên không chữa thuốc Nam mà vẫn truyền hoá chất giống tôi thì liệu có xảy ra chuyện này không?”. Cũng chưa thể khẳng định được điều gì cả, vì không phải bệnh nhân nào cũng đủ sức khỏe và nghị lực để vượt qua được các đợt truyền hóa chất.

Thêm một người ra đi

Bốn giờ sáng, các bác sĩ và y tá chạy qua phòng tôi rất vội vàng, chắc là ai đó đang phải cấp cứu. Đêm nay, họ phải làm việc thật vất vả. Lát sau, tôi nghe thấy tiếng bước chân của họ lững thững quay trở về. Tôi đoán chắc là bệnh nhân đó qua được cơn nguy kịch. Nhưng tôi đã nhầm. Chỉ ngay sau khi các bác sĩ ra về, tôi nghe thấy tiếng mẹ chị Biên gọi chị trong nước mắt:

- Biên ơi! Con ơi! Mở mắt ra đi con!

Tôi quay sang nhìn anh Mạnh, cả hai đều không nói gì nhưng thực ra chúng tôi đều biết chị Biên sắp vĩnh viễn rời xa thế giới này. Sau khi truyền xong hoá chất, bạch cầu trong máu của chị xuống thấp và chị cũng phải kích bạch cầu giống tôi. Chị Biên được kích đến lọ bạch cầu thứ tám mà nó vẫn không thể lên được.

Anh Mạnh cùng những người khác đến phòng chị. Người ta giúp mẹ chị thu dọn đồ đạc và chuẩn bị đưa chị về quê. Mẹ chị ngất xỉu.

Chị Biên - sinh viên trường luật, vừa tốt nghiệp đại học. Tương lai đang chờ đón chị phía trước. Trước đây, chị nói với tôi: “Sau khi truyền xong hoá chất, chị sẽ xin bác sĩ để được ghép tủy”. Chị rất hy vọng vào phương pháp chữa trị này. Nhưng bây giờ thì nguyện vọng ấy cũng không thể thực hiện.

*****

Chiều hôm đó, Huỳnh ra viện. Không phải bác sĩ cho Huỳnh về mà bạn ấy cứ nhất quyết đòi về nhà ngay trong đêm để còn kịp chuyến tàu về Nghệ An. Trước khi Huỳnh về, tôi và anh Mạnh đến thăm bạn ấy. Vừa đi, tôi vừa phải vịn vào người anh Mạnh. Đến nơi, chúng tôi thấy bố Huỳnh đang thu dọn đồ đạc còn Huỳnh thì nằm co quắp trên giường bệnh.

Huỳnh vẫn ho. Thấy chúng tôi đến, Huỳnh ngước mắt nhìn rồi không nói gì.  Tôi cầm tấm chứng minh thư nhân dân của Huỳnh lên và không thể nhận ra được người trong ảnh lại chính là Huỳnh hai năm trước. Đó là một bạn nữ rất xinh, mái tóc xõa ngang vai, nét mặt rạng ngời và nụ cười chất chứa sự lạc quan, yêu đời.

Hai hôm sau, trong khi tôi đang ngủ thì Lệ Quyên gọi điện. Bạn ấy vừa khóc vừa nói với tôi:

- Toán ơi! Cái Huỳnh, nó mất rồi. Nó mất hôm qua. Nó biết mình sắp chết, nên mới nhất quyết đòi bố mẹ cho về ngay trong đêm hôm đó.

Có rất nhiều cách chết của người bị ung thư máu. Chết như Huỳnh là chủ động lựa chọn. Rất ít người làm được điều ấy.

Kỳ sau: Bệnh nhân trẻ và tương lai

MỚI - NÓNG