Quỳnh 'ấm đất'

Những sản phẩm ấm đất của Trần Tú Quỳnh Ảnh: KIẾN NGHĨA
Những sản phẩm ấm đất của Trần Tú Quỳnh Ảnh: KIẾN NGHĨA
TP - Sinh ra trong gia đình nhiều đời làm gốm ở Bát Tràng (Hà Nội), chàng trai 30 tuổi Trần Tú Quỳnh đã chọn hướng đi riêng, dốc hết tâm lực và đam mê vào làm những chiếc ấm đất độc và lạ. Đẹp và công dụng không kém ấm tử sa (loại ấm nổi danh ở Trung Quốc) mỗi lần Quỳnh rao bán ấm đất trên facebook lập tức nhiều người đặt mua.

Để sen mọc ở trong bùn

 Trước khi gọi điện cho Trần Tú Quỳnh, tôi được một số đồng nghiệp cho biết họ từng liên hệ với anh để viết bài nhưng bị từ chối.Tôi gọi, ban đầu Quỳnh cũng từ chối, nhưng sau khi trò chuyện một hồi, anh đã mời tôi đến nhà.

Nhà Quỳnh ở gần chợ gốm làng Bát Tràng. Quỳnh dáng người mảnh, nhanh nhẹn, mắt sắc, trông cá tính. Đưa tôi vào một gian nhà rộng, Quỳnh chỉ vào một góc, cho biết: “Em chỉ có góc nhỏ này thôi, hiện làm ấm một mình. Em cũng muốn tìm thêm người để làm nhưng chưa tìm được”.

Quỳnh pha nước tiếp khách bằng ấm đất do anh làm. Nước trà rót từ ấm tỏa mùi thơm, uống cảm nhận được vị ngon của trà. Sau vài tuần vị và hương trà hầu như không đổi. Nhấp ngụm trà nóng, Quỳnh cho biết gia đình anh nhiều đời làm gốm ở Bát Tràng, về sau làm ấm chén bộ để bán đại trà. Trong quá trình làm, Quỳnh thấy mặt hàng ấm chén rất khó cạnh tranh với hàng của Trung Quốc, do thua sút về mẫu mã, độ tinh xảo lẫn giá cả.Từ đó, Quỳnh bắt đầu manh nha ý tưởng tìm hướng đi cho mình. Năm 2013, đang học Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Quỳnh tìm sách để đọc, rồi mày mò làm ấm đất. Nguyên liệu sử dụng là đất thông thường, được Quỳnh cải tạo thành chất liệu để làm ấm đất. Khác với ấm đại trà, ấm đất do Quỳnh làm không dựa trên khuôn mẫu có sẵn mà làm bằng tay. Khi đó, sản phẩm cần sự sáng tạo, phải có hồn.

Trong ba năm liền, Quỳnh vật lộn với những cục đất xấu xí, làm hỏng hoặc đập bỏ không biết bao nhiêu chiếc ấm, anh lập facebook mang tên “Ấm đất” để có dịp trao đổi, chia sẻ với những người yêu thích sản phẩm này. Quỳnh quan niệm, tiêu chí đầu tiên của sản phẩm phải có tính năng sử dụng, vì nếu không chỉ có thể “cất tủ”. Tính năng sử dụng bao gồm ấm phải kín, khi rót nước không trào ra xung quanh, chảy đều và không bị tắc. Bên cạnh đó, các yếu tố kỹ, mỹ thuật của ấm đất phải đảm bảo.

Ấm đất nếu so với ấm tử sa bán trên thị trường hiện nay cũng tương đương. Nhưng điều đáng nói là hiện nay Quỳnh là người duy nhất làm ra loại ấm đất này.

 Quỳnh 'ấm đất' ảnh 1
 Quỳnh 'ấm đất' ảnh 2

Thành công dần đến với Quỳnh khi với những cục đất bình thường anh có thể tạo ra những ấm đất có hồn. Đây là điều khiến Quỳnh tự hào, như anh từng chia sẻ trong facebook “Ấm đất”: “Hai chiếc ấm làm vào tháng 9/2017, được làm bằng tràn trề nhiệt huyết và niềm kiêu hãnh. Khi từ chối những nguyên liệu, những công nghệ tốt, để quay về gọt giũa những cục đất xấu xí và rẻ rúng nhất hành tinh này thành tác phẩm. Để yên lòng những người còn trăn trở, để không còn kém cỏi, để sen lại mọc ở trong bùn”.

Năm 2017, Quỳnh bắt đầu bán sản phẩm ấm đất do mình làm ra. Số lượng ấm Quỳnh làm rất ít, từng chiếc được anh sử dụng một thời gian, sau mới rao bán qua fecebook. Tại đây, anh nói rõ những ưu, nhược điểm của từng chiếc ấm, đồng thời công khai chất liệu, kỹ thuật để làm ra nó. Cách chia sẻ chân thực cùng sự độc và lạ của những chiếc ấm đất khiến mỗi khi Quỳnh rao bán trên mạng, lập tức nhiều người đặt mua. Ngoài ra, mỗi khi có sản phẩm mới được Quỳnh đưa lên facebook “Ấm đất” luôn nhộn nhịp những lời bình luận, chia sẻ về sản phẩm của anh.

Sản phẩm thuần Việt

 Trung bình mỗi tháng Trần Tú Quỳnh làm được khoảng chục chiếc ấm, trong đó chỉ khoảng 1-2 chiếc anh thực sự ưng ý. Khi bán, chiếc rẻ nhất 750.000 đồng, đắt nhất 7.500.000 đồng.Sự chênh lệch giá của từng chiếc ấm phụ thuộc công năng, mỹ thuật, kỹ thuật, hình chạm khắc và nhiều yếu tố khác để tạo ra sản phẩm.Khi được hỏi: “Ấm đất so thế nào với ấm tử sa?”, Quỳnh trả lời: Ấm tử sa được làm từ loại đất tử sa có ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ấm tử sa có nhiều loại khác nhau, do đó rất khó để so sánh. Tại Việt Nam hiện nay cũng có nghệ nhân làm ấm tử sa. Nếu so với ấm tử sa thông thường trên thị trường hiện nay, thì ấm đất có thế mạnh riêng. “Dù làm từ đất bình thường, nhưng mình có thể tự tin mà nói rằng: Tôi cũng có cái ấm này, nhưng không phải là ấm tử sa”- Quỳnh chia sẻ. 

Tại nhà Quỳnh hôm đó, tôi gặp Nguyễn Huy Hoàng, một người bạn từng học cùng Đại học Mỹ thuật công nghiệp với Quỳnh đến chơi.Trước đây, Hoàng là một trong những người bạn từng động viên, góp ý cho Quỳnh trong những ngày đầu làm ấm đất. Hoàng cho biết: “Ấm đất của Quỳnh có thể tích phù hợp, để phần trà và nước bên trong hòa quyện, không bị thoát ra ngoài nhiều. Độ dày thân ấm giúp duy trì nhiệt độ chuẩn trong ấm, để trà chín trong khoảng thời gian ngắn nhất. Ấm đất nếu so với ấm tử sa bán trên thị trường hiện nay cũng tương đương. Nhưng điều đáng nói là hiện nay Quỳnh là người duy nhất làm ra loại ấm đất này”.

 Quỳnh 'ấm đất' ảnh 3 Sản phẩm của Quỳnh trên facebook “Ấm đất”
 Quỳnh 'ấm đất' ảnh 4 Trần Tú Quỳnh với sản phẩm ấm đất của mình       Ảnh: KIẾN NGHĨA 

Trần Tú Quỳnh cho biết, làm ấm đất luôn cần sự tìm tòi, thử nghiệm và chia sẻ.Ngoài loại ấm làm từ đất thông thường, một số sản phẩm của Quỳnh được hòa trộn từ đất sét đỏ và cao lanh, hai loại nguyên liệu gốc có trong tự nhiên tại Việt Nam. Ban đầu, việc kết hợp hai chất liệu này khiến Quỳnh gặp khó, vì chúng không có sự kết dính, bền chặt. Nhưng khi thử nghiệm thành công nó đem lại cho Quỳnh những sản phẩm đẹp, độc đáo. 

Cuối buổi nói chuyện, Quỳnh mời tôi vào một phòng nhỏ, nơi bày nhiều ấm đất các loại. Quỳnh cho biết, hầu hết ấm đất tại đây bị lỗi nên được giữ lại. Quỳnh chia sẻ thêm về thành công cũng như thất bại của anh trong quá trình làm ấm đất và dù hay dù dở đều là những sản phẩm do mình làm ra.

Điều này, được anh chia sẻ kỹ trong facebook “Ấm đất”: “Mỗi mẫu sản phẩm tồn tại được đến thời điểm này, tất cả là những đứa con tinh thần. Đã từng hàng trăm lần làm đi làm lại, trải qua nhiều kỹ thuật chế tác, nhiều mẫu nguyên liệu, tỷ lệ pha trộn, và hàng chục mốc phương pháp thử nghiệm nhiệt độ. Bao nhiêu kinh nghiệm, bấy nhiêu lần chết lặng, vò đầu bứt tai… Trên đời, không có gì là hoàn hảo. Mỗi mẫu sản phẩm sau khi hoàn thành và sử dụng, đều có sai sót ngoài ý muốn. Tuy nhiên, điều đó chẳng còn quan trọng, đó là cách riêng để cảm nhận bản thân, cảm nhận cuộc sống, là thách thức, là khao khát…”.

"Khi đất sét đạt đến đỉnh điểm nóng chảy, tạo nên một màng mềm, mỏng, bao phủ lên những hạt sắt và thạch anh. Cùng với đó, nhôm, magie và kali trong cao lanh cũng đã nóng chảy, hình thành bề mặt bóng, với những hạt nhỏ ánh kim…Sản phẩm đạt được độ kết dính và cứng, có thể gọi được là sành", Quỳnh cho biết.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.