Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó:

Quyết miễn, giảm 21.300 tỷ tiền thuế cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng từ ngày 1/10 đến hết ngày 31/12 với doanh nghiệp sản xuấtảnh: nguyễn thắng
Chính phủ đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng từ ngày 1/10 đến hết ngày 31/12 với doanh nghiệp sản xuấtảnh: nguyễn thắng
TP - Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, gói hỗ trợ này rất cấp bách, cần thiết, vì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Hỗ trợ đúng đối tượng, tránh thất thoát

Ngày 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID -19. Theo đề xuất của Chính phủ, gói miễn, giảm thuế này có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 21.300 tỷ đồng, với 4 nhóm giải pháp được đề xuất.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng từ ngày 1/10 đến hết ngày 31/12 với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Trong đó, lĩnh vực được giảm gồm: vận tải; dịch vụ lưu trú, ăn uống; hoạt động xuất bản (trừ xuất bản theo hình thức trực tuyến); điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; các đại lý du lịch; sáng tác, nghệ thuật và giải trí; thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; thể thao, vui chơi và giải trí. Qua đó, doanh nghiệp được giảm 30% thuế giá trị gia tăng. Theo tính toán của Chính phủ, khi áp dụng chính sách này nhà nước bị giảm thu khoảng 5.000 tỷ đồng.

Đề xuất khác được Chính phủ đưa ra là giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 với doanh nghiệp tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và tổng doanh thu 2021 giảm so với năm 2020. Đối với trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, hoặc chuyển đổi loại hình kinh doanh, hình thức sở hữu (sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản...), không áp dụng tiêu chí tổng doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2020 trong kỳ tính thuế năm 2021. Dự kiến số giảm thu ngân sách theo đề xuất này khoảng 2.200 tỷ đồng.

Với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Chính phủ đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV/2021. Dự kiến, số giảm thu ngân sách theo phương án này khoảng 8.800 tỷ đồng.

Chính phủ cũng đề xuất miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức (gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020. Quy định này không áp dụng với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp. Với đề xuất này, số giảm thu ngân sách khoảng 5.300 tỷ đồng.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường đánh giá, gói hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng có thể dẫn đến không đạt mục tiêu chính sách khi người thụ hưởng thật sự không phải người tiêu dùng mà là các doanh nghiệp, tổ chức trung gian kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung quy định Chính phủ chịu trách nhiệm trong quản lý thuế để bảo đảm người tiêu dùng được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế giá trị gia tăng.

Giải trình về việc này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cam kết, sẽ chỉ đạo cơ quan thuế tăng cường quản lý, hỗ trợ đúng và trúng đối tượng, chống thất thoát.

Kê khai trước, kiểm tra sau

Ông Hồ Đức Phớc nói rằng, khi thiết kế các chính sách, đã tham khảo, lấy ý kiến nhiều cơ quan liên quan và các ủy ban của Quốc hội. “Số thuế hỗ trợ theo chính sách này, trong điều kiện bình thường chỉ bằng TPHCM thu trong 20 ngày. Nhưng trong bối cảnh khó khăn thì một miếng khi đói bằng một gói khi no”, ông nói.

Gần 140.000 đơn đề nghị gia hạn nộp thuế

Theo Bộ Tài chính, lũy kế đến 24/8, cơ quan thuế nhận được hơn 139.000 đơn đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất của các tổ chức, cá nhân. Tổng số thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế với cá nhân và hộ kinh doanh, tiền thuê đất đã được gia hạn là hơn 72.700 tỷ đồng. Tổng tiền miễn, giảm trên 30 khoản thuế, phí, lệ phí khoảng 3.000 tỷ đồng.LÊ HỮU VIỆT

Theo ông Phớc, đối với doanh nghiệp khó khăn không có thuế thì đã có chính sách miễn tiền chậm nộp thuế phát sinh trong năm 2020 và năm 2021. Dù vậy, ông cũng tiếp thu các ý kiến để bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực. “Giải pháp là kê khai trước, kiểm tra sau”, ông nói và nhận định giải pháp này rất xác thực, giúp việc triển khai nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Cần xem xét gói hỗ trợ lãi suất

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu thực trạng, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, nhưng lại chưa thấy Chính phủ đề xuất gói hỗ trợ lãi suất. “Ngân hàng lãi, doanh nghiệp khó khăn. Vậy khả năng giảm lãi suất cho doanh nghiệp có khả thi không?”, ông Thanh đặt vấn đề. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nguồn đầu vào với doanh nghiệp rất quan trọng, do vậy, cần xem xét gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp.

Ông Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã bàn với ngân hàng Nhà nước (NHNN) về gói hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm triển khai gói kích cầu năm 2009 không hiệu quả, khó quản lý, NHNN đề nghị không triển khai. “NHNN cũng đang có chương trình giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp, với cam kết của các ngân hàng khoảng hơn 24.000 tỷ đồng”, ông nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, năm 2020, tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành đạt khoảng 129.000 tỷ đồng. Sang năm 2021, tiếp tục giảm mức thu 30 loại phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, áp dụng từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/12. Dự kiến, tổng mức hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí khoảng 118.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cũng đã được triển khai nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, với tổng kinh phí ước tính trên 26.000 tỷ đồng.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, việc hỗ trợ lãi suất rất cần được cân nhắc, vì thực hiện rất khó khăn. Ông Tú dẫn chứng, gói hỗ trợ năm 2009 hơn 16.000 tỷ đồng, thực hiện 14.000 tỷ đồng, nhưng đến nay chưa quyết toán được. Khẳng định khi còn làm Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chỉ đạo kiểm toán gói 16.000 tỷ đồng trên, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tiếp tục nghiên cứu về gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp.

Cuối phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết, đồng thời đề nghị, cơ quan soạn thảo sớm hoàn thiện dự thảo nghị quyết, sớm trình để Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trước ngày 1/10.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.