Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mặc dù đang nằm trong top đầu các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cao nhất cả nước cho đến thời điểm này, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Thanh Hoá vẫn chưa đạt kỳ vọng, chưa đồng đều giữa các chủ đầu tư trong cùng nhóm và khác nhóm.

Theo các chủ đầu tư, nguyên nhân dẫn tới việc thi công các công trình, dự án đầu tư công chưa bảo đảm tiến độ và giải ngân vốn chậm so với kế hoạch là do giá vật tư, vật liệu xây dựng, giá xăng, dầu biến động liên tục theo chiều hướng tăng. Bên cạnh đó, việc bồi thường giải phóng mặt bằng nhiều dự án còn bị chậm, gây nhiều khó khăn cho công tác triển khai dự án. Một số chủ đầu tư chưa quyết liệt, tinh thần, trách nhiệm chưa cao trong công tác đôn đốc, chỉ đạo thực hiện và giải ngân vốn cho các dự án; một số nhà thầu thi công còn hạn chế năng lực, chưa tập trung máy móc, nhân lực và thiết bị để thi công; tiến độ thẩm định hồ sơ của các dự án khởi công mới của một số cơ quan chuyên môn còn chậm.

Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn

Để tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư, nhà thầu về vấn đề giá vật liệu, từ tháng 7/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa giao các sở, ngành công bố giá vật liệu hằng tháng thay vì hằng quý như trước đây, làm cơ sở cho các dự án cần điều chỉnh hợp đồng do giá vật liệu, xăng, dầu tăng, giúp cho chủ đầu tư, nhà thầu chủ động trong việc thi công các dự án, công trình. Đồng thời, chỉ đạo các ngành có liên quan của tỉnh quan tâm quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng, tránh đầu cơ, tránh tình trạng lạm dụng giá xăng dầu tăng, cập nhật kịp thời giá nguyên vật liệu để các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn xây dựng dự toán.

Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa được Trung ương phân bổ hơn 11.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Ngay từ đầu năm, kế hoạch chi tiết vốn đã được UBND tỉnh xem xét, giao cho chủ đầu tư để chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, với mục tiêu giải ngân hết 100% số vốn.

Ngoài ra, trong công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cắt, giảm các thủ tục không cần thiết theo quy định, tăng cường thủ tục hành chính trực tuyến, kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, cơ quan, đơn vị gây khó khăn, nhũng nhiễu cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình làm các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục đầu tư các dự án. Đồng thời, tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tập trung đẩy nhanh việc thu hồi vốn tạm ứng, xử lý tồn đọng dự án hoàn thành chưa quyết toán theo đúng quy định.

Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công ảnh 1

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cùng ngành chức năng kiểm tra tiến độ các dự án

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia vào cuối tháng 9/2022, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn cho biết, đến ngày 23/9/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Thanh Hóa đạt 55% kế hoạch, cao hơn 8,3% tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước. Thanh Hóa đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp như: Giao sớm kế hoạch chi tiết năm 2022 cho các chương trình, dự án, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư chủ động triển khai thực hiện. Quy định mốc thời gian hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đối với từng loại dự án. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án có tiến độ giải ngân chậm, không đảm bảo theo quy định để bố trí sang cho các dự án có tiến độ nhanh, có nhu cầu bổ sung thêm vốn. Gắn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị, chủ đầu tư trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công…

MỚI - NÓNG