Cựu Tổng thống Indonesia Suharto qua đời:

Quyền lực, toà án và… sự tha thứ

Quyền lực, toà án và… sự tha thứ
TP - Cựu Tổng thống Indonesia Haji Muhammad Suharto qua đời. Như vậy, Toà án sẽ không thể xét xử ông tội tham nhũng, nhưng người dân sẽ vẫn tranh cãi về công và lỗi lầm của ông trong quá khứ.
Quyền lực, toà án và… sự tha thứ ảnh 1
Ông Suharto đọc tuyên bố từ chức năm 1998

Ngày 4/1, cựu Tổng thống Suharto lại phải nhập viện với tình trạng sức khoẻ nguy kịch. Các bác sĩ nỗ lực kéo dài cuộc sống của ông bằng thiết bị y tế, nhưng tình trạng ngày càng tồi tệ. Chiều 27/1, bác sĩ ra tuyên bố cho biết cựu Tổng thống đã qua đời lúc 13 giờ 10 phút.

Cả 6 người con của ông Suharto ở trong bệnh viện khi ông qua đời. Bà Tutut, con gái cả của ông Suharto, nói: “Cha tôi đã ra đi một cách thanh thản. Chúa phù hộ và tha thứ cho tất cả lỗi lầm của ông”.

Văn phòng Tổng thống Susilo Bambang thông báo một tuần quốc tang cho “người con tốt nhất của dân tộc”.

Trong tuyên bố đại diện cho quốc gia, nhân dân và chính phủ, Tổng thống Susilo Bambang cũng đề cao những gì ông Suharto đã làm cho đất nước. Nhiều người dân bật khóc khi chờ thi hài ông được đưa về nhà riêng và tâm sự rằng nên tha thứ cho những lỗi lầm của ông trong quá khứ.

Tổng thống Susilo Bambang cùng các bộ trưởng cũng có mặt tại nhà riêng của ông Suharto để bày tỏ sự thương tiếc. Lãnh đạo một số nước châu Á cũng bày tỏ lòng tiếc thương và đề cao những đóng góp của ông Suharto cho Indonesia và ASEAN.

Thi hài ông Suharto sẽ được đưa đi bằng đội bay gồm bảy chiếc để tới nơi an nghỉ tại khu lăng mộ của gia đình trong lễ tang cấp nhà nước.

Quyền lực, toà án và… sự tha thứ ảnh 2
Ông Suharto và các thành viên gia đình năm 2004

Toà án

Sau 32 năm nắm quyền ở Indonesia, tháng 5/1998, ông Suharto phải từ chức trước làn sóng chống đối mạnh mẽ xung quanh những cáo buộc tham nhũng và vi phạm nhân quyền nhằm vào ông.

Cựu Tổng thống sống bình lặng ở Jakarta, nhưng ngay sau đó bắt đầu phải đối mặt với toà án vì cáo buộc đã biển thủ 600 triệu USD thông qua các tổ chức do ông sáng lập.

Ông Suharto còn là bị đơn của vụ kiện hình sự cáo buộc ông liên quan tới các hành động vi phạm nhân quyền ở Đông Timor năm 1975 và cả ở Aceh, Papua. Cả hai vụ kiện bị bác bỏ sau khi ông Suharto luôn vắng mặt tại toà án do sức khoẻ yếu.

Tháng 9/2007, Toà án Nam Jakarta mở lại phiên xét xử cựu Tổng thống Suharto tội tham nhũng, nhưng cũng không có kết quả vì ông phải nằm trong bệnh viện.

Cùng thời điểm trên, Tòa án Tối cao Indonesia buộc tạp chí Time (Mỹ) phải bồi thường danh dự cho cựu Tổng thống Suharto với số tiền lên tới 106 triệu USD.

Trong ấn phẩm ra năm 1999, tạp chí Time cho rằng cựu Tổng thống và gia đình đã biển thủ hàng chục tỷ USD. Ông Suharto đã khởi kiện tạp chí Time và giành chiến thắng trong vụ kiện.

Tranh cãi về công và lỗi lầm

Một số người Indonesia gọi ông Suharto là “cha đẻ của phát triển”. Ông Suharto chính thức nắm quyền năm 1967 khi nền kinh tế Indonesia đang sụp đổ, lạm phát nằm ngoài tầm kiểm soát, nghèo đói khắp mọi nơi.

Tổng thống Suharto tạo được danh tiếng trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng; tăng năng suất trong nông nghiệp, công nghiệp; nâng cao mức sống cho hầu hết người dân và tỷ lệ nghèo đói ở Indonesia giảm đáng kể.

Triều đại Suharto được đánh dấu bởi sự phát triển kinh tế mạnh mẽ và sự ổn định chính trị khiến nhiều nước đang phát triển noi theo. Ngày nay, nhiều người Indonesia vẫn sống trong cảnh đói nghèo và mong chờ sự ổn định như dưới thời ông Suharto khi năng lượng và thực phẩm luôn có đủ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ trích cựu Tổng thống Suharto đã hoang phí nguồn tài nguyên dầu mỏ, vàng, gỗ và “bơm” tài sản của đất nước cho người thân, đồng minh chính trị. Chính phủ Suharto còn mang tiếng xấu với nạn tham nhũng tràn lan.

Ngân hàng Thế giới ước tính khoảng 20% - 30% ngân sách phát triển của Indonesia bị biển thủ dưới triều đại Suharto. Các nhà lãnh đạo thời kỳ hậu Suharto như B.J Habibie, A. Wahid, Megawati Sukarnoputri và Susilo Bambang cam kết loại bỏ nạn tham nhũng có gốc rễ từ thời Suharto, nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều kết quả.

Cuộc đời sóng gió

Ông Suharto sinh năm 1921 trong gia đình nông dân trồng lúa ở làng Godean, tỉnh Trung tâm Java. Khi Indonesia giành độc lập từ Hà Lan năm 1949, sĩ quan Suharto thăng tiến nhanh trong quân đội.

Sự nghiệp của ông Suharto suýt tiêu tan vào cuối những năm 1950 khi tướng Abdul Nasution cáo buộc ông tội tham nhũng trong các hợp đồng quân sự. Tuy nhiên, thời cơ lại đến với ông Suharto vào tháng 9/1965 khi 6 tướng lĩnh hàng đầu của quân đội bị sát hại một cách bí ẩn trong một sự kiện được cho là đảo chính.

Ông Suharto nhanh chóng khẳng định quyền lực của mình thông qua sức mạnh của các lực lượng quân đội và chính thức trở thành Tổng thống Indonesia, thay ông Sukarno, vào tháng 3/1967.

Tổng thống Suharto đưa Indonesia vào thời kỳ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nhưng quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á không thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Cùng khó khăn về kinh tế, vấn đề sắc tộc, ông Suharto còn phải đối mặt với làn sóng chống đối trên chính trường và trên đường phố.

Trong 10 năm qua, kể từ khi từ chức, cựu Tổng thống Suharto không được yên thân khi hàng loạt cáo buộc nhằm vào ông và phiên toà xét xử ông vẫn tiếp diễn. Tình trạng sức khoẻ là một trong những lý do chính giúp ông thoát khỏi việc bị kết án tại tòa.

Tổng thống Suharto hiếm khi trả lời phỏng vấn báo chí và luôn bác bỏ mọi cáo buộc nhằm vào mình. Vợ ông đã qua đời năm 1996 sau khi có với nhau ba con trai, ba con gái.

Ngày nay, những người con và các đồng minh của ông Suharto vẫn tiếp tục có ảnh hưởng tới nền kinh tế, chính trị Indonesia. Hutomo Putra, con trai út của ông Suharto, ra tù năm 2006 sau khi chấp hành bản án vì đã ra lệnh sát hại quan toà thuộc Toà án Tối cao.

Một người con trai khác là Bambang Trihatmodjo có tên trong danh sách những người giàu nhất Indonesia năm 2007 của tạp chí Forbes với số vốn 200 triệu USD trong tập đoàn Mediacom.

T.Đ
Tổng hợp

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.