Quyền lực phải thuộc về nhân dân

Quyền lực phải thuộc về nhân dân
TP - “Tất cả quyền lực nhà nước đều bắt nguồn từ nhân dân, phải thuộc về nhân dân”. Phó GS Joerg Menzel, Đại học Bonn (CHLB Đức) nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản trong Hiến pháp CHLB Đức, tại Hội thảo quốc tế “Tổ chức quyền lực nhà nước - kinh nghiệm từ Hiến pháp một số nước”, tại Hà Nội hôm qua.

> Phát biểu của Tổng bí thư tại Hội nghị triển khai nghị quyết T.Ư 4

Phần lớn học giả cho rằng, những tiếng nói của thiểu số phải được tiếp thu khi sửa hiến pháp
Phần lớn học giả cho rằng, những tiếng nói của thiểu số phải được tiếp thu khi sửa hiến pháp.

Không trao nhiều quyền lực cho một người

Theo GS Menzel, để thực hiện nguyên tắc này, các cơ quan lập pháp phải tuyệt đối tuân thủ Hiến pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp tuân theo luật. Đến từ ĐHQG Singapore, GS Kevin Tan phân tích, quá trình hình thành, phát triển hiến pháp của nhân loại cho thấy, mỗi nước đều tự lựa chọn mô hình tổ chức quyền lực phù hợp với điều kiện của nước mình.

Các chuyên gia cho rằng, phân chia quyền lực không thể tách rời giám sát quyền lực, từ người dân và các cơ quan truyền thông. Ở Đức, Nghị viện có quyền yêu cầu điều tra hoạt động của Chính phủ, đảm bảo ý kiến của thiểu số cũng được xem xét. Vấn đề cơ bản của hiến pháp là phải kiểm soát, sao cho quyền lực không tập trung quá lớn vào một cá nhân nào đó, đồng thời có cơ chế ứng phó với những trường hợp lạm quyền.

“Khi có quá nhiều quyền lực, một người tốt cũng có thể trở nên xấu, và chưa chắc họ đã sử dụng quyền lực đó vì mục đích của cộng đồng. Vì vậy, không nên trao quá nhiều quyền cho một cá nhân” – GS Kevin Tan phát biểu.

Một số học giả đồng tình, trong quá trình xây dựng, sửa đổi hiến pháp, mỗi quốc gia cần lựa chọn cho mình mô hình tổ chức quyền lực phù hợp, có lợi nhất cho sự phát triển, cho nhân dân. Thực tế, không có hai bản Hiến pháp hoàn toàn giống nhau, dù là ở các quốc gia châu Âu hay châu Á. “Tuy nhiên, mô hình nào cũng phải có giám sát, kiểm soát quyền lực, đảm bảo quyền lực phải thực sự là của nhân dân và không bị tước đoạt” - GS Tan nhấn mạnh.

Nhìn vào quá trình sửa đổi Hiến pháp 1992 của Việt Nam hiện nay, GS Nguyễn Đăng Dung (Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội) cho rằng, phải làm rõ vấn đề cốt lõi nhất trong phân chia, kiểm soát quyền lực, để tránh được những bất cập từ thực tiễn. “Tiên Lãng là ví dụ điển hình, cho thấy cần có sự phân quyền rõ nét hơn. Nhưng phân quyền như thế nào, kiểm soát ra sao, đó là cái đang đặt ra” - GS Dung nói.

Tiếng nói của thiểu số

Nói về việc phân quyền giữa trung ương và địa phương, một số chuyên gia cho rằng đó là hướng đi phù hợp, nhưng cần làm rõ ranh giới - tức là trung ương nắm giữ đến đâu, giao cho địa phương đến đâu. Ngay cả ở Đức cũng có mối nguy lớn, là người ta có thể bẻ khóa (lách luật) khi giao quyền cho các địa phương.

Các chuyên gia cho rằng, sự tham gia của càng nhiều nhóm lợi ích vào quá trình sửa hiến pháp sẽ càng tốt, bởi họ phải được nói tiếng nói để bảo vệ lợi ích của họ, dù chỉ là thiểu số. “Khi đã ở vị trí đa số thì người ta sẽ khó nhìn thấy quyền lợi của những người ở phần bên kia, sẽ rất nguy hiểm nếu họ nắm hết mọi quyền lực” - GS Tan nói.

Theo GS Menzel, dự thảo Hiến pháp phải tính đến những căn cứ thực tế để khi ban hành nó có thể phát huy tác dụng tích cực. Bản Hiến pháp tốt không phải là một bản hiến pháp sao chép từ bên ngoài, mà phải được đưa ra bàn thảo hết sức rộng rãi.

Hội thảo “Tổ chức quyền lực nhà nước-Kinh nghiệm từ hiến pháp một số nước” diễn ra trong hai ngày từ 28 đến 29-2, hội tụ các chuyên gia đến từ CHLB Đức, Hàn Quốc, Singapore, Campuchia, Philippines và Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến dự và phát biểu chào mừng.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.