Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân:

Quyền hạn của công an xã khá nhiều, cần cân nhắc lại

Quyền hạn của công an xã khá nhiều, cần cân nhắc lại
TPO - Chiều 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp phiên thứ hai, cho ý kiến về dự thảo Luật Công an xã. Nhiều ý kiến cho rằng, thẩm quyền công an xã rất lớn, cần phải xem xét lại.

Nhiệm vụ nhiều, đọc "toát mồ hôi"

Trình bày tờ trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, dự thảo Luật gồm 5 chương, 47 điều. So với Pháp lệnh Công an xã, dự thảo Luật đã bổ sung 22 Điều. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội gợi mở nhiều vấn đề thảo luận liên quan đến địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã. Cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về chất lượng “đầu vào” của lực lượng này.

Phát biểu tại phiên họp, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, theo dự thảo Luật, công an xã có những thẩm quyền rất nhiều, vô cùng phức tạp. Theo bà Nga, với thẩm quyền như thế này, lực lượng công an xã chịu áp lực rất lớn trong hoàn thành nhiệm vụ. Đây cũng là lực lượng tiếp xúc trực tiếp với dân nhiều nhất, thường xuyên nhất.

Quyền hạn của công an xã khá nhiều, cần cân nhắc lại ảnh 1

Bà Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Công an xã được trang bị vũ khí, súng, bình xịt hơi cay, roi điện, dùi cui. Trình độ đầu vào hiện nay thì so với các lực lượng khác trong công an thì đây là lực lượng có trình độ đầu vào thấp nhất. Theo Nghị định 73, tiêu chuẩn Trưởng công an xã, phó Trưởng công an xã chỉ học xong Trung học phổ thông trở lên, còn công an viên tốt nghiệp từ Trung học cơ sở trở lên. Ở những vùng sâu vùng xa mà không đủ người thì thấp hơn như học xong tiểu học trở lên. Với chức năng, quyền hạn rất lớn trong đó có những quyền liên quan đến quyền con người, nếu cứ để trình độ đầu vào như thế thì khó mà đảm bảo được”, bà Nga nói.

Theo bà Nga, trong thời gian qua, khi thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến tố tụng hình sự, lực lượng công an xã đã để xảy ra nhiều sai phạm ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân và ảnh hưởng uy tín Nhà nước. Tuy cá biệt nhưng ảnh hưởng rất lớn, dư luận rất bức xúc. Trong đó có những vụ đánh chết người, gây thương tích nghiêm trọng, làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Theo bà Nga, công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, được trấn áp tội phạm, sử dụng biện pháp nghiệp vụ để đảm bảo an ninh trật tự thì đương nhiên được sử dụng vũ khí, súng và công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, “trong tố tụng hình sự năm 2015 có giao cho công an xã tiếp nhận tin báo tội phạm, lấy lời khai, có thể bắt giữ người phạm tội quả tang, người truy nã, thu giữ vũ khí tang vật, lập biên bản. Nhiệm vụ này, theo tôi nếu trình độ tiểu học hoặc trung học cơ sở không đảm bảo làm tốt được hồ sơ ban đầu”, bà Nga nói.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, theo dự thảo Luật thì nhiệm vụ của công an xã là quá nhiều. “Theo tôi khó mà hoàn thành được nhiệm vụ. Không phải là lực lượng chuyên trách nhưng nhiệm vụ còn hơn cả chuyên trách”, ông Giàu nói. 

Đồng tình với vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, rất lo lắng khi nhiệm vụ, chức năng của công an xã được quy định rất nhiều nhưng tính chính danh rất nhỏ. 

“Các nhiệm vụ, chức năng nên làm gọn lại chứ không khi đưa xuống dưới, công an xã đọc toát mồ hôi. Hoàn thành được thì rất khó”, ông Hải nói. Theo ông Hải, không sợ tăng biên chế, cần phải sắp xếp lại, ưu tiên cho lực lượng công an xã. “Ban đầu vẫn là lực lượng bán chuyên trách nhưng phải tiến tới chuyên nghiệp hóa”, ông Hải nói.

"Khi có quyền lực ở nông thôn, ông nông dân cũng dễ làm vua"

Theo ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì nhiệm vụ của công an xã là rất nặng, tuy nhiên, lại không đưa vào chính quy, biên chế thì có đảm bảo tuyển dụng được không. Hơn nữa, trình độ của công an viên cũng không đảm bảo thực hiện được các nhiệm vụ. 

“Tôi muốn ghi rõ trình độ tuyển dụng công an xã trong luật. Nếu ghi theo trình độ quy định của Chính phủ thì việc có trình độ tiểu học, trung học cơ sở có đảm bảo được không. Trong đó có những nhiệm vụ như bắt người, lấy lời khai ban đầu, lập biên bản. Theo tôi, lấy lời khai ban đầu là cực khó, sau này làm cơ sở để làm tố tụng. Trình độ cỡ nào thì mới làm được các nhiệm vụ này”, ông Bình nói. 

Bên cạnh đó, ông Bình cũng đặt vấn đề quan liêu, ăn hiếp lẫn nhau, đối xử với nhau chưa công bằng. “Tệ nạn ở xã, ở nông thôn là ai có quyền là không công bằng với những người khác, đối xử không được tốt. Khi có quyền lực ở nông thôn, ông nông dân cũng dễ làm vua. Thành ra, có lẽ trình độ phải ghi rõ ra trong Luật. Cũng nên có ràng buộc về trình độ cũng như giới hạn để không lạm dụng quyền lực”, ông Bình nói.

Trao đổi tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, việc nâng từ Pháp lệnh lên thành Luật Công an xã là cần thiết, tuy nhiên phải rà soát các bộ luật liên quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, rất nhiều ý kiến bàn về công an xã là chính quy hay bán chuyên trách, nhưng quy định là lực lượng bán chuyên trách là phù hợp. 

Về nhiệm vụ quyền hạn của công an xã, theo Chủ tịch Quốc hội cần rà soát, luật hóa các quy định cho minh bạch, rõ ràng. Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của công an khá nhiều, cần cân nhắc lại.

Theo Chủ tịch Quốc hội, là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, năng lực hạn chế, trình độ, chuyên môn, kỹ năng hoạt động không thể so sánh với lực lượng công an chuyên nghiệp được. “Liệu công an xã với quy định nhiệm vụ, quyền hạn như thế thì có thực sự đảm bảo, tôn trọng quyền con người, quyền công dân hay không?”, bà Ngân đặt câu hỏi.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, về thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền như dự thảo Luật, người ta hiểu công an xã được trao quyền điều tra, xác minh, phân loại, lập hồ sơ, làm án, không phù hợp với pháp luật hiện hành về xử lý vi phạm hành chính hay thẩm quyền điều tra hình sự.

Về việc bố trí nơi làm việc cho công an xã, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc từ ngữ, tránh để hiểu nhầm việc cho xây trụ sở công an xã. “Đồng ý phải có nơi làm việc, có phòng làm việc, có nơi làm việc. 11 nghìn xã lại có 11 nghìn trụ sở công an xã thì không được. Tránh xây dựng trụ sở xã tràn lan, không phù hợp chủ trương”, bà Ngân nói.

MỚI - NÓNG