> “Thủy điện xả lũ không phải quy trình đúng”
> Quảng Nam: Cử tri bức xúc việc thủy điện xả lũ
> Làm sao chứng minh thủy điện sai?
Chợt ngộ ra một điều, rằng trong một nhà máy thủy điện, việc bấm nút bảng điều khiển theo trình tự từ A-Z, ai học qua cũng làm được, gọi là “đúng quy trình”.
Nhưng quy trình nào, nút bấm nào cho phép hiện diện những cái nhà máy thủy điện ấy tại khu vực ấy để gây thiệt hại, nguy hiểm cho dân, quy trình ấy có đúng không, mới là điều đáng nói.
Giờ thì cắt bỏ tới 4-5 trăm dự án thủy điện, vẫn thấy chẳng ai kêu la. Thủy điện có vẻ như đã “hết thời”, giờ lại quay về thời của nhiệt điện. Thấy báo đài đưa tin về các dự án nhiệt điện “khủng” hàng tỉ đô-la tại nhiều địa phương. Theo lãnh đạo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, tính cả đến 2030, thì phải xây dựng được 52 nhà máy nhiệt điện chạy than.
Tuy nhiên, lo lắng nhất hiện nay, cũng theo vị lãnh đạo Hiệp hội trên, đó là không biết có đủ than để cho các nhà máy này chạy không ?! Ngành than nếu làm cật lực mới được khoảng 40 triệu tấn/năm, trong khi các nhà máy sẽ ngốn tới 50-60 triệu tấn than/năm. Mà nhiệt điện thuộc loại “kén” than.
Phải đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia bằng mọi giá. Nhưng quy trình có phải đang “xoay vòng” không, khi từ nửa thế kỷ trước đi từ nhiệt điện, rồi đến thuỷ điện, nay lại quay về nhiệt điện ? Trong khi thế giới đang xu hướng sử dụng năng lượng tự nhiên xanh, sạch, chống ô nhiễm, giảm khí thải để hạ nhiệt trái đất, hạn chế khai khoáng “tận diệt”… Liên tưởng đến sự “ngắc ngoải” của các dự án sản xuất xăng sinh học E5, vì bế tắc đầu ra, càng làm càng lỗ.
Lộ trình đã có, nhưng sự chỉ đạo quyết liệt cũng như những chính sách cụ thể nào để tiếp sức doanh nghiệp, làm thay đổi thói quen tiêu dùng nhiên liệu của người dân, thì còn mờ nhạt. Quy trình ở đây là đúng, nhưng các bước đi có vẻ chưa bắt nhịp theo đúng với quy trình.
Suy rộng ra từ câu nói của ông Phó Chủ tịch Quảng Nam, thấy nhiều lĩnh vực hiện còn đang lúng túng, thậm chí chỏi nhau giữa “đúng quy trình” và “quy trình đúng”.
Có quy trình đúng, nhưng lại không làm đúng quy trình. Ngược lại nhiều khi làm đúng quy trình trên những quy trình chưa đúng. Thậm chí sự xuất hiện của những “nhóm lợi ích” dẫn đến đảo lộn hoặc đẻ ra những “quy trình” không giống ai.
Thực tế, nhiều quy định ban hành tỏ ra xa lạ với quy luật của đời sống. Một khi cơ quan công quyền cố bám vào các quy định cứng nhắc để xử lý thực tiễn, người dân sẽ “lãnh đủ”.