Quy rõ trách nhiệm cá nhân

Quy rõ trách nhiệm cá nhân
TP - Thảo luận về Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (BVMT) chiều qua, ĐBQH tập trung vào quy định quy hoạch BVMT và cho rằng cần làm rõ trách nhiệm cá nhân mới có thể ngăn chặn được hành vi vi phạm môi trường.

> Ngăn chặn 'chạy' điều chỉnh quy hoạch
> Tăng giám sát để chặn dự án tiền tỉ lãng phí

ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) và một số ĐB đặt ra yêu cầu Luật phải quy định cụ thể hơn nội dung quy hoạch BVMT nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên thiên nhiên, đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân.

“Thực tế, những năm qua cho thấy nhiều yếu kém quản lý nhà nước về môi trường. Luật cần có quy định, làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương và cá nhân liên quan, không thể để nửa vời” - ông Vở kiến nghị.

Cũng theo ĐB này, quy hoạch về BVMT rất quan trọng nhưng cần phải lập quy hoạch này gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Đặc biệt phải có biện pháp để bảo vệ tài nguyên nhất là tài nguyên rừng, không để xảy ra tình trạng phá rừng, làm thủy điện tràn lan như thời gian qua. “Hậu quả do lũ lụt từ thủy điện gây ra ở miền Trung những năm qua là quá rõ ràng” - ông Vở nói.

 “Cần đưa ra biện pháp ngăn chặn hành vi xâm hại đối với môi trường do làm mất rừng, mất đất bởi các dự án thủy điện quy hoạch không hợp lý thời gian qua”  

ĐB Nguyễn Thanh Phương
Cần Thơ

Theo ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), Luật cần có quy định để giải quyết được những xung đột giữa một bên là người dân và các doanh nghiệp về lợi ích trong BVMT. Nêu dẫn chứng hàng loạt DN xả thải ra môi trường, chôn trộm thuốc trừ sâu, xả lũ gây ngập lụt, ĐB Vẻ cho rằng hậu quả gây tàn hoại môi trường thời gian qua đến mức báo động.

“Cần có quy định cụ thể về hành vi cấm, chẳng hạn như cấm đặt nhà máy ở vị trí có thể gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, phải có chế tài mạnh mẽ như đóng cửa nhà máy, xử phạt nặng để xử lý hành vi cố tình gây ô nhiễm, phá hủy môi trường” - ông Vẻ đề xuất.

Tại phiên thảo luận, nhiều ĐB tỏ ra lo ngại với số liệu có đến 90% cơ sở sản xuất qua kiểm tra không xử lý rác thải ra môi trường. Các ĐB cũng chung nỗi lo về một nguy cơ biến đổi khí hậu và những tác hại của nó đang ngày càng ảnh hưởng rõ rệt đối với môi trường ở nước ta cũng như khu vực và trên thế giới.

“Luật nên có một chương riêng quy định về vấn đề này, chứ không phải những điều rời rạc. Vấn đề về ứng phó với biến đổi khí hậu có thể gắn với các chương trình kinh tế-xã hội của các địa phương” – ĐB Vẻ nêu quan điểm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG