Quy hoạch xây dựng: Không thể quyết định một đằng, thực hiện một nẻo

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu tại hội nghị tổng kết ngành xây dựng chiều 16/1. Ảnh: TTXVN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu tại hội nghị tổng kết ngành xây dựng chiều 16/1. Ảnh: TTXVN.
TP - Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 ngành Xây dựng diễn ra ngày 16/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn phê bình và chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là quy hoạch. Thủ tướng lưu ý không thể phát triển quy hoạch theo hướng “quyết định một đằng, thực hiện một nẻo”.

Chủ đầu tư đi thuyết phục thay đổi quy hoạch!

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có những trường hợp điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện. Thậm chí các chủ đầu tư thuyết phục để thay đổi quy hoạch. Chính vì thế, quản lý phát triển quy hoạch không thể theo hướng “quyết định một đằng, thực hiện một nẻo”.

Thủ tướng cho rằng, chất lượng các đồ án quy hoạch còn thấp. Ví dụ như đồ án quy hoạch TP Hồ Chí Minh vừa được duyệt trình ra nhưng kém quá lại phải điều chỉnh để đảm bảo vấn đề của TP Hồ Chí Minh. Liên quan đến việc di dời trụ sở các Bộ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng sớm trình Thủ tướng phê duyệt kế hoạch di dời, xây dựng cơ sở làm việc các bộ, ngành. Khi đã có trụ sở mới, phải trả lại trụ sở cũ đúng như chủ trương.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng thừa nhận, hiện chất lượng đồ án quy hoạch xây dựng, đô thị còn thấp. Việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là quy hoạch chi tiết còn tùy tiện, không đúng quy trình, thủ tục, thường có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, giảm diện tích công cộng, hạ tầng cây xanh. Cùng với đó, công tác quản lý, kiểm soát phát triển đô thị còn hạn chế, tình trạng điều chỉnh quy hoạch, cấp phép xây dựng các công trình nhà ở cao tầng tại một số đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây áp lực quá tải lên hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, giảm chất lượng phát triển đô thị.

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cũng dẫn chứng, ngay tại Hà Nội, nhiều khu vực chưa được phê duyệt quy hoạch phân khu. 

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Chính- Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam lại đưa ra một dẫn chứng khác. Cụ thể, theo quy hoạch thì trụ sở các trường học, bệnh viện, bộ ngành phải được di dời ra ngoại ô. Nhưng thực tế, nhiều nơi vẫn ngày một xây cao lên, trụ sở vẫn ở trong nội đô. 

Thừa nhà cao cấp, thiếu nhà bình dân

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cũng thừa nhận những tồn tại khác của ngành Xây dựng, như chất lượng một số công trình xây dựng còn thấp, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn xảy ra. “Việc xử lý, khắc phục các sai phạm sau kết luận thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với một số vụ việc được dư luận quan tâm chưa kịp thời, dứt điểm”, ông Hùng cho hay. 

Về cơ cấu hàng hóa bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng vẫn dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị. Một số loại hình sản phẩm mới như condotel, officetel, shop-house... chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, có biểu hiện lợi dụng, thao túng của chủ đầu tư với khách hàng.

Theo Thứ trưởng Hùng, cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện điều tra, nghiên cứu về loại hình bất động sản mới (condotel, officetel), báo cáo Thủ tướng và đề xuất hướng giải quyết, đồng thời chủ động phối hợp với các bộ liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến các loại hình bất động sản này.

Theo Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Nguyễn Trần Nam năm  2017, có trên 22.000 căn hộ du lịch được chào bán và 12.500 căn đã bán thành công (hơn 50%), giúp huy động những nguồn lực rất lớn từ trong dân cho phát triển. Bất cập là thị trường thì sôi động trong khi trong hệ thống văn bản quy phạm chưa có quy định về những loại hình sản phẩm bất động sản này. Ông Nguyễn Trần Nam kiến nghị Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thành các quy định điều chỉnh lĩnh vực kinh doanh này để trình Chính phủ, Thủ tướng xem xét, quyết định.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tổng số dự án bất động sản đang triển khai là 3.077 dự án với tổng số vốn đầu tư 3,3 triệu tỷ đồng. Mỗi năm cả nước khởi công 90.000-100.000 công trình xây dựng lớn nhỏ khác nhau. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ngành xây dựng là 1,2 triệu tỷ đồng. Dư nợ tín dụng bất động sản đến hết quý III/2017 đạt 447.000 tỷ đồng, chiếm 6-8% tổng dư nợ tín dụng.

MỚI - NÓNG