Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Dự kiến thành lập 6 quận/thành phố, đô thị

TPO - Theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12/12/2024, Hà Nội dự kiến thành lập 6 quận/thành phố. 

Hình thành mô hình thành phố trong Thủ đô để tạo các cực tăng trưởng

Cụ thể, về phương án phát triển hệ thống đô thị Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài 12 quận hiện hữu, định hướng đến năm 2030 dự kiến thành lập các quận: Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh và quận/thành phố, đô thị: Đan Phượng, Mê Linh.

Thành phố/thị xã dự kiến thành lập gồm: Đô thị Sóc Sơn, đô thị Hòa Lạc, đô thị Xuân Mai, đô thị Sơn Tây, đô thị Phú Xuyên.

Đô thị dự kiến thành lập, thị trấn gồm: Đô thị Chúc Sơn, đô thị Quốc Oai, đô thị Phúc Thọ, thị trấn Tây Đằng, đô thị Tản Viên Sơn, thị trấn Liên Quan, thị trấn Thường Tín, thị trấn Kim Bài, thị trấn Vân Đình.

Về phương hướng phát triển, phát triển đô thị Hà Nội mang bản sắc riêng của Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", là hình mẫu đi đầu trong phát triển đô thị xanh, thông minh, tuần hoàn, hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tạo lập môi trường sống văn minh, có sức hút đầu tư và tạo việc làm, phát triển bền vững. Phát triển không gian đô thị kết hợp chặt chẽ với việc sử dụng an toàn và hiệu quả không gian ngầm, bảo đảm sử dụng tiết kiệm đất, bảo vệ môi trường và các yêu cầu về an ninh, quốc phòng.

Một khu đô thị phát triển tại huyện Gia Lâm. Ảnh minh họa

Bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang khu vực nội đô lịch sử, khu vực thành cổ Sơn Tây, các khu phố cổ, phố cũ gắn với các công trình kiến trúc có giá trị nhằm khai thác, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử phục vụ phát triển dịch vụ, du lịch bền vững. Rà soát, lên phương án cải tạo, chỉnh trang các khu chung cư cũ, các khu nhà ở thấp tầng tự xây trong khu vực nội đô thành các khu đô thị mới hiện đại có dịch vụ đồng bộ, môi trường sống văn minh.

Phát triển mô hình đô thị TOD tại các khu vực có ga đường sắt để mở rộng không gian phát triển, tạo lập không gian sống tiện ích, hiện đại, có hạ tầng dịch vụ đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Phát triển mở rộng đô thị khu vực phía Bắc sông Hồng để tạo không gian đô thị cân đối, hài hòa hai bên sông, phát triển trục sông Hồng thành trục cảnh quan trung tâm, là không gian văn hóa kết hợp thương mại, dịch vụ, du lịch và nghỉ dưỡng.

Việc hình thành mô hình thành phố trong Thủ đô nhằm tạo các cực tăng trưởng, động lực phát triển mới, thúc đẩy sự phát triển lan tỏa và hài hòa giữa đô thị và nông thôn, tạo lập những thể chế đặc thù để khai thác những tiềm năng, lợi thế riêng có tại mỗi khu vực.

Mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt 14.000 USD vào năm 2030

Quy hoạch đặt mục tiêu phát triển Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của cả nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; là trung tâm kinh tế tài chính lớn; trung tâm hàng đầu về giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; thành phố thanh bình, người dân hạnh phúc.

Về quy mô dân số, năm 2030 Hà Nội đạt khoảng 10,5 – 11 triệu người, với thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 13.500 – 14.000 USD.

Tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội có trình độ phát triển hàng đầu trong khu vực; là nơi đáng đến và lưu lại, nơi đáng sống và cống hiến. Người dân có mức sống và chất lượng cuộc sống cao. GRDP bình quân đầu người khoảng 45.000 - 46.000 USD.

Lĩnh vực môi trường, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định xây dựng nghĩa trang theo hướng công viên nghĩa trang, đầu tư xây dựng các nhà tang lễ và các công trình phụ trợ bảo đảm văn minh và vệ sinh môi trường. Mở rộng nghĩa trang Yên Kỳ, nghĩa trang Vĩnh Hằng, nghĩa trang Thanh Tước. Đồng thời nghiên cứu xây dựng nghĩa trang ở vị trí phù hợp tại các huyện: Thạch Thất, Phú Xuyên, Sóc Sơn..

Đối với hệ thống thu gom rác, quy hoạch xác định đẩy mạnh hóa trong thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Đa dạng hóa các công nghệ xử lý chất thải, áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; tăng cường xử lý kết hợp thu hồi năng lượng...