Quy hoạch nuôi cá tra: Chưa chặt chẽ, kiểm soát lỏng lẻo

TP - Đó là nhận định của ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam khi trao đổi với Tiền Phong về tình hình giá cá tra tăng cao khiến nhiều người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tự phát ồ ạt đào ao nuôi cá bất chấp những cảnh báo.

Theo ông Quốc, hiện nay giá cá tra sốt giá kỉ lục trong 10 năm trở lại đây, nguyên nhân chính là thiếu giống (ươm không đậu, hoặc đậu thì tỉ lệ rất thấp). Do đó, gây ra tình trạng cung không đáp ứng được cầu. Vấn đề giống vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, công nghệ nuôi, công nghệ chế biến có chính sách nhưng không đi vào thực tiễn. Doanh nghiệp (DN) đưa những công nghệ mới về để được hưởng những chính sách hỗ trợ của nhà nước nhưng những chính sách đưa ra hầu như DN không nhận được.

Theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT năm 2018, sản lượng phải đạt từ 1,3 triệu tấn, kim ngạch từ 2 - 2,2 tỷ USD. Để có 1,3 triệu tấn cá thịt cần khoảng gấp đôi số lượng con giống, tính luôn lượng hao hụt 50%. Nếu như làm hơn số lượng này thì chắc chắn phải “chết” thôi.

Bài học này đã là “nhãn tiền”. Giá cá giống từ trước đến nay dao động từ  28 - 70 ngàn đồng/kg và hiện nay là 50 ngàn đồng/kg (30 con). Thời điểm DN không mua, giá cá còn 17 - 18 ngàn đồng/kg, người làm cá giống chắc chắn phải chịu lỗ.

Vấn đề nan giải là tính liên kết vùng còn rất yếu. Ở vùng ĐBSCL chủ yếu là lúa, cá, vườn trái cây, nhưng bây giờ xác định lại thủy sản là số 1 trong đó gồm cá tra và tôm rồi mới đến cây lúa. Nếu như tỉnh nào cũng làm theo mô hình này thì nó sẽ phá vỡ quy hoạch trong liên kết vùng. Thêm nữa, trong khi liên kết giữa các DN và các hộ nuôi thì tương đối ổn. Nhưng liên kết ngang giữa DN với DN hầu như rất ít mà việc này là vô cùng quan trọng. Các DN không những không liên kết, lại cạnh tranh với nhau không lành mạnh từ đó dẫn đến hiện tượng phá giá.

Hiện nay, cả vùng ĐBSCL có trên 100 cơ sở ương giống, trong đó Đồng Tháp có 78 cơ sở, khoảng 1.500 ha nhưng đó chỉ là cái “ngọn” còn những cơ sở có giống cá bố mẹ tốt “chính gốc” thì không bao nhiêu. Vì lợi nhuận, người nuôi thản nhiên cho sản xuất cá bột mà không thay đổi giống bố mẹ, khiến giống cá bị thoái hóa, yếu đi. Thay vì một năm cho cá sinh sản 3 lần thì ép cá sinh sản 4 - 5 lần. Đó là nguyên nhân tại sao cá chết nhiều.  

Để ổn định thị trường cần giải quyết tốt khâu giống, nâng chất lượng cá thương phẩm, hạ được giá thành nuôi để cạnh tranh. Cần xúc tiến thị trường trong nước cho mạnh. Trường hợp thị trường nước ngoài gặp khó khăn thì chúng ta vẫn có thể tiêu thụ nội địa. Bên cạnh đó, các thị trường truyền thống ở nước ngoài như Mỹ, châu Âu… vẫn phải đẩy mạnh.

Đồng thời, có chính sách cho DN để xây dựng các cơ sở sản xuất giống, chính sách về đất đai để các DN đầu tư xây dựng vùng giống, quy hoạch vùng nuôi và nhà nước phải quản lý quy hoạch cho tốt.

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.