Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm: Bài toán khó

0:00 / 0:00
0:00
Cần quy hoạch các cơ sở giáo dục ĐH và các trường sư phạm sát với thực tiễn
Cần quy hoạch các cơ sở giáo dục ĐH và các trường sư phạm sát với thực tiễn
TP - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm. Theo các chuyên gia, đây là bài toán không dễ.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) giai đoạn 2006-2020, Bộ GD&ĐT nhận thấy cần rà soát, điều chỉnh để bản quy hoạch này phù hợp với thực tiễn. Năm 2013, Thủ tướng ban hành Quyết định về việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020. Tuy nhiên, kết thúc năm 2020, mục tiêu mà bản quy hoạch đưa ra hầu như không thực hiện được.

Bộ GD&ĐT có nhiệm vụ quan trọng là trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Sau đó, nhiệm vụ này phải dừng lại vì yêu cầu mạng lưới các trường sư phạm phải nằm trong tổng thể quy hoạch chung các trường ĐH. Do vậy, việc Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam sớm có một bản quy hoạch mạng lưới các trường ĐH chuẩn, là cơ sở để phát triển giáo dục ĐH.

Xây dựng “đầu bài”

Là chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong xây dựng và triển khai Luật Quy hoạch, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông lưu ý, trong quy hoạch cần có yếu tố kế thừa và yếu tố phát triển, bắt đầu từ phân tích hiện trạng và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao trong các lĩnh vực của cả nước và từng địa phương, từng vùng kinh tế; từ đó xác định yêu cầu về cơ sở vật chất, quỹ đất và đội ngũ giảng viên.

Về phía cơ sở giáo dục ĐH, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng, quan trọng nhất là cơ sở thực tiễn, xây dựng cơ sở dữ liệu, từ đó đưa ra dự báo cẩn trọng, chắc chắn. Bên cạnh đó, nên có các cuộc họp thảo luận với lãnh đạo các cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm về vấn đề này để thống nhất về chủ trương, quan điểm, nhận thức. GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, đề cập việc xây dựng “đầu bài” và lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan. “Đầu bài” cần thể hiện những tư tưởng chính như bám sát cung cầu, gắn liền với các vùng kinh tế; chuyển hệ thống giáo dục ĐH sang giai đoạn đổi mới sáng tạo; lưu ý nhu cầu tiếp cận ĐH của người dân và phân tầng ĐH.

Trao đổi với báo chí, đại biểu Quốc hội Lê Tuấn Tứ (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa) cho rằng, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm là bài toán khó nhưng không phải không làm được. “Theo tôi, cần quan tâm, đầu tư nguồn lực cho các ĐH vùng. Nên sắp xếp lại các trường nhỏ lẻ, hoạt động yếu kém. Có đề án di chuyển các trường ĐH ở Hà Nội, TPHCM và các trung tâm thành phố lớn ra ngoại ô hoặc các vùng vệ tinh lân cận”, ông Tứ đề xuất. Với hệ thống các trường sư phạm, ông cho rằng, cần tập trung nguồn lực cho hệ thống “máy cái” này. Muốn vậy, phải tính đến bài toán quy hoạch, “thay áo” cho các trường. Nên tập trung đầu tư, quy hoạch phát triển trường sư phạm theo vùng, như Hà Nội, TPHCM, vùng Đông Bắc, Tây Bắc, khu vực Huế - Đà Nẵng, Đồng bằng sông Cửu Long…

GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nêu quan điểm, cần xây dựng cơ cấu tổ chức hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên theo nguyên tắc, xác định đơn vị cấu trúc và tạo được mối quan hệ tương trợ giữa các đơn vị. Ông Báo nói rằng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cho ngành Giáo dục là lĩnh vực có quan hệ chặt chẽ, logic hệ thống.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo các đơn vị thảo luận kỹ về nội dung “đầu bài”, bảo đảm mạch lạc, ngắn gọn, đúng trọng tâm. Ông lưu ý, quy hoạch phải tính đến liên ngành và xu hướng phát triển giáo dục ĐH có tính hội nhập trên nền tảng công nghệ cao; gắn kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức. Theo đó, các trường ĐH, trung tâm nghiên cứu có xu hướng tạo nên một hệ sinh thái, quần thể tập trung, gắn với các vùng kinh tế trọng điểm, trung tâm tăng trưởng kinh tế lớn, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả nước.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.