Quy hoạch đất Buôn Ma Thuột “xóa sổ” nhiều buôn làng: Lãnh đạo mong bà con ráng đợi!

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chiều 25/5, UBND TP Buôn Ma Thuột họp báo công bố Quy hoạch (QH) sử dụng đất thành phố thời kỳ 2021-2030. Cuộc họp báo thu hút rất đông cơ quan thông tấn báo chí bởi trước đó xuất hiện thông tin, nhiều buôn làng hiện hữu bỗng dưng bị QH thành đất trồng cây lâu năm. Nhiều người có đất rơi vào tình huống oái oăm trên cũng hết sức băn khoăn, lo lắng.

Theo QH sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của TP Buôn Ma Thuột, địa phương này chưa đưa vào quy hoạch QH sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 đối với 16 công trình, dự án trọng điểm, đầu tư công, thu hút đầu tư. Ngoài ra, thành phố tạm thời chưa đưa vào quy hoạch này đối với các chỉ tiêu đất ở chưa phù hợp với Quy hoạch chung thành phố đến năm 2025. "Tổng diện tích sau khi rà soát, có 12 đơn vị xã, phường chưa phù hợp với quy hoạch chung này nên tạm thời chưa đưa vào quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tổng diện tích khoảng 1.116ha", đại diện UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết.

Lãnh đạo TP Buôn Ma Thuột thông tin thêm, quy trình lập cũng như trước khi trình cấp thẩm quyền thông qua QH thành phố đã lường trước phản ứng của người dân. Đây là điều thành phố không mong muốn và UBND tỉnh cũng trăn trở. Đã có nhiều cuộc họp mở ra, thậm chí xin ý kiến của bộ ngành Trung ương trước khi ban hành QH trên.

Lãnh đạo thành phố khẳng định, trình tự lập quy hoạch này được thực hiện theo Thông tư 01/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), dựa trên nhu cầu về phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt là nhu cầu đất ở của người dân trên địa bàn. Quá trình lập, thành phố đã tổ chức lấy ý kiến của người dân 3 lần (?), sau đó tổng hợp vào dự thảo, phương án, được HĐND TP thông qua năm 2022 và trình Hội đồng thẩm định cấp tỉnh. Nguyên tắc lập QH là QH cấp dưới phải phù hợp với QH của cấp trên (tức quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2014).

Quy hoạch đất Buôn Ma Thuột “xóa sổ” nhiều buôn làng: Lãnh đạo mong bà con ráng đợi! ảnh 1

Khu dân cư đông đúc ở thôn 8, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột sẽ bị xoá sổ theo quy hoạch mới

“Vậy trước giờ UBND TP Buôn Ma Thuột cho người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở là sai so với QH chung?” PV đặt câu hỏi tại cuộc họp báo. Đại diện Phòng TN&MT TP Buôn Ma Thuột- đơn vị tham mưu quy hoạch trên lý giải: Việc cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất trước đó không sai bởi thời điểm đó chưa có Luật Quy hoạch. Đến năm 2017, Quốc hội mới ban hành luật này và có hiệu lực từ năm 2019, theo đó, yêu cầu QH của các địa phương phải phù hợp, đồng bộ tất cả; QH cấp dưới phải phù hợp, đồng bộ QH cấp trên.

Theo QH sử dụng đất TP Buôn Ma Thuột mới công bố, nhiều buôn làng hiện hữu, đông dân cư trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột bị xoá sổ hoặc bị cắt xén như: Thôn 7 (Thá Prông), thôn 8, thôn 4 (buôn Kdun)… thuộc xã Cư Êbur; buôn Hwiê thuộc xã Ea Kao; buôn Ea Nao B thuộc xã Ea Tu... Thậm chí, khu vực nhà của cố NSND Ymoan cũng bị chuyển thành đất nông nghiệp, trong khi buôn này được công nhận là buôn văn hoá.

UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết thêm, hiện nay, QH tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và QH chung TP Buôn Ma Thuột đến năm 2045 đang trình Thủ tướng phê duyệt. Đối với toàn bộ nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực và nhân dân trên địa bàn thành phố đã được tổng hợp đầy đủ trong phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai trong QH tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Sau khi QH tỉnh và điều chỉnh QH chung TP Buôn Ma Thuột đến năm 2045 được Thủ tướng phê duyệt thì UBND TP Buôn Ma Thuột có trách nhiệm cập nhật, điều chỉnh đồng bộ QH sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của thành phố với các QH khác theo quy định của pháp luật.

“Khi QH chung của tỉnh giai đoạn 2021-2030 được phê duyệt, thành phố sẽ điều chỉnh cho phù hợp, rất mong bà con chia sẻ, cố gắng đợi thêm thời gian”, ông Lê Đại Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột bày tỏ.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.