Quy định mới về quản lý và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước tại ngân hàng

Trước yêu cầu của thực tiễn về công tác quản lý và sử dụng tài khoản của KBNN tại ngân hàng thông qua việc tham gia hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và kết nối thanh toán song phương điện tử với các hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM).

Vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 58 ngày 30/08/2019 của Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của KBNN mở tại Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) và các NHTM (Thông tư 58) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2019.

Trong những năm qua, thông  qua việc tham gia hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và kết nối thanh toán song phương điện tử với các hệ thống NHTM, tài khoản thanh toán tập trung của KBNN đã được hình thành và từng bước hoàn thiện theo thông lệ chung đáp ứng tốt các nhu cầu thu, chi bằng đồng Việt Nam và bằng ngoại tệ của NSNN và các đơn vị giao dịch với KBNN; tập trung số dư NQNN tại các địa phương về trung ương và gửi tại NHNN. Bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác quản lý và sử dụng tài khoản của KBNN cũng đặt ra một số vấn đề như sau:

Về thanh toán, chi trả tiền mặt của KBNN cấp tỉnh: Tỷ trọng chi NSNN bằng tiền mặt tại các đơn vị KBNN cấp tỉnh chiếm khoảng 1/3 tổng chi bằng tiền mặt của toàn hệ thống KBNN. Sau khi sáp nhập các Phòng Giao dịch trực thuộc, KBNN cấp tỉnh tiếp nhận thêm nhiệm vụ quản lý quỹ ngân sách cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh lỵ dẫn đến khối lượng thanh toán, chi trả qua KBNN cấp tỉnh tăng lên đáng kể, đặc biệt là các khoản thanh toán bằng tiền mặt, gây áp lực lớn trong điều kiện tổ chức bộ máy giữ nguyên, không thay đổi. Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư số 315/2016/TT-BTC ngày 30/11/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của KBNN mở tại NHNN Việt Nam và các NHTM (Thông tư 315), Thông tư số 131/2017/TT-BTC ngày 15/12/2017 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 315(Thông tư 131), KBNN cấp tỉnh chưa được mở tài khoản thanh toán tại các NHTM do đó chưa tổ chức chi tiền mặt cho các đơn vị sử dụng NSNN qua ngân hàng được.

Về tiêu chí lựa chọn hệ thống NHTM mở tài khoản chuyên thu: Bên cạnh việc đảm bảo tập trung nhanh nguồn thu, quản lý an toàn tiền của nhà nước và tạo thuận lợi cho người nộp NSNN, NHTM được lựa chọn để mở tài khoản chuyên thu cũng phải đáp ứng được các yêu cầu quản lý của cơ quan thuế, cơ quan hải quan và KBNN. Tuy nhiên, hiện nay, Thông tư 315 và Thông tư 131 chưa quy định cụ thể về tiêu chí lựa chọn NHTM nơi KBNN mở tài khoản chuyên thu, nên thực tế thời gian qua, KBNN cũng chưa triển khai mở rộng việc mở tài khoản chuyên thu tại các hệ thống NHTM khác ngoài 05 hệ thống NHTM mà KBNN hiện đang có tài khoản (Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank, MB).

Về việc tập trung số dư các tài khoản từ địa phương về trung ương: Trong điều kiện hiện nay, với việc hoàn thiện hệ thống thanh toán song phương điện tử (giữa KBNN với NHTM) và hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (giữa KBNN với NHNN Việt Nam) thì việc tập trung số dư ngân quỹ tại các địa phương vẫn đảm bảo được yêu cầu thanh toán của KBNN tại trung ương và tại địa phương. Thực tế thời gian qua, KBNN đã thực hiện điều hành số dư trên các tài khoản thanh toán tổng hợp, tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu của các đơn vị KBNN theo hướng tập trung từ địa phương về trung ương và sau đó, gửi phần lớn tại NHNN Việt Nam mặc dù Thông tư 315 và Thông tư 131 chưa quy định về vấn đề này. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả quản lý ngân quỹ và tăng cường khả năng thanh khoản của KBNN; đồng thời, hỗ trợ NHNN Việt Nam quản lý thanh khoản của nền kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ, cần có quy định pháp lý về việc tập trung số dư trên các tài khoản của các đơn vị KBNN cấp tỉnh, cấp huyện về trung ương và sau đó gửi toàn bộ tại NHNN Việt Nam.

Trước tình hình trên, ngày 30/08/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 58 thay thế Thông tư 315 và Thông tư 131. Thông tư 58 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2019. Theo đó, quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của KBNN có một số điểm thay đổi cơ bản như sau:

Về việc mở tài khoản của KBNN cấp tỉnh, Thông tư 58 cho phép KBNN cấp tỉnh được mở tài khoản thanh toán tại NHTM trên cùng địa bàn tỉnh thuộc hệ thống NHTM đã triển khai thanh toán song phương điện tử với KBNN. Tuy nhiên, tài khoản này chỉ được sử dụng để tập trung các khoản thu NQNN bằng chuyển khoản và bằng tiền mặt; thanh toán, chi trả các khoản chi NQNN bằng tiền mặt.

Bên cạnh đó, Thông tư 58 cũng thu hẹp quy định về nơi mở tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của KBNN cấp tỉnh để tăng cường quản lý thu, chi ngân quỹ nhà nước bằng ngoại tệ, góp phần giảm bớt tính trạng đô la hóa trong nền kinh tế. Cụ thể, KBNN cấp tỉnh chỉ được mở tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ tại chi nhánh NHTM được phép cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường trong nước trên cùng địa bàn, thuộc hệ thống NHTM đã triển khai thanh toán song phương điện tử với KBNN. Đến nay, KBNN chỉ triển khai thanh toán song phương điện tử bằng ngoại tệ với hệ thống Vietcombank. Như vậy, sau khi Thông tư 58 có hiệu lực thi hành, các KBNN cấp tỉnh sẽ phải đóng các tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ đang mở tại các chi nhánh NHTM không thuộc hệ thống Vietcombank.

Về việc mở tài khoản của KBNN cấp huyện, Thông tư 58 cho phép KBNN cấp huyện được mở tài khoản tại NHTM nơi thuận tiện giao dịch mà không giới hạn trong phạm vi các chi nhánh, phóng giao dịch NHTM trên cùng địa bàn như trước đây. Qua đó, giúp KBNN cấp huyện lựa chọn được NHTM nơi mở tài khoản phù hợp nhất, đặc biệt là các KBNN cấp huyện đóng trên địa bàn các quận, thành phố, thị xã.

Thông tư 58 pháp lý hóa nguyên tắc điều hành số dư trên các tài khoản bằng đồng Việt Nam và bằng ngoại tệ của các đơn vị KBNN tại ngân hàng, cụ thể:

Cuối ngày giao dịch, sau khi đối chiếu thành công với NHTM, toàn bộ số dư trên các tài khoản thanh toán, chuyên thu tại thời điểm tạm ngừng truyền, nhận chứng từ thanh toán giữa KBNN và NHTM (COT) được chuyển về tài khoản thanh toán tổng hợp, chuyên thu tổng hợp, đảm bảo các tài khoản này có số dư bằng 0 (trừ những khoản thu phát sinh trên tài khoản này sau thời điểm COT. Sau khi đã nhận số quyết toán từ các tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu, toàn bộ số dư trên các tài khoản thanh toán tổng hợp, chuyên thu tổng hợp được chuyển về NHNN, đảm bảo các tài khoản này có số dư bằng 0.

Bên cạnh đó, Thông tư 58 cũng quy định việc lùi thời gian đối chiếu, kết chuyển giữa KBNN và NHTM sang ngày làm việc tiếp theo chỉ được thực hiện trong trường hợp có phát sinh sự kiện bất khả kháng không thể khắc phục được trong ngày. Căn cứ Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015, sự kiện bất khả kháng cản trở việc đối chiếu, kết chuyển giữa KBNN và NHTM bao gồm các sự cố đường truyền, điện, mạng, thiết bị, vi rút, các lỗi kỹ thuật… xảy ra bất ngờ, nằm ngoài khả năng kiểm soát của KBNN, NHTM và các sự kiện bất khả kháng khác (nếu có).

Theo quy định trên, các tài khoản thanh toán tổng hợp, tài khoản chuyên thu tổng hợp, tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu của KBNN tại NHTM về bản chất đều là tài khoản trung gian (không có số dư cuối ngày) để đáp ứng các yêu cầu thanh toán của NSNN và các đơn vị giao dịch. Vì vậy, quy định này một mặt phù hợp với quy định tại Khoản 4, Điều 55 Luật NSNN, Khoản 3, Điều 27 Luật NHNN Việt Nam và quy định tại Khoản 24 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối; Khoản 1, Điều 11 Nghị định số 50/2014/NĐ-CP ngày 20/05/2014 của Chính phủ về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước; mặt khác, phù hợp với định hướng cải cách quản lý ngân quỹ của KBNN theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 cũng như khuyến nghị của chuyên gia Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.

Bổ sung quy định về các tiêu chí lựa chọn hệ thống NHTM mới để mở tài khoản chuyên thu. Các tiêu chí lựa chọn bao gồm:

Có mức độ an toàn cao theo xếp hạng của NHNN Việt Nam theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước trong 03 năm liên tiếp tính đến thời điểm lựa chọn;

Có hệ thống Core Banking đặt tại Việt Nam;

Hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng đáp ứng yêu cầu kết nối và trao đổi thông tin thanh toán song phương điện tử với KBNN, đảm bảo các tiêu chuẩn kết nối theo yêu cầu của KBNN Trung ương; có chức năng thu nộp NSNN tại quầy và thu nộp NSNN qua kênh giao dịch điện tử;

Có phần mềm thu NSNN tích hợp với Core Banking và có khả năng kết nối, trao đổi thông tin với Dự án Hiện đại hóa thu NSNN của Bộ Tài chính;

Có văn bản cam kết có đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu triển khai thanh toán song phương điện tử và tổ chức phối hợp thu NSNN với KBNN;

Phối hợp với KBNN xây dựng thỏa thuận về quy trình tổ chức phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử; đồng thời, cam kết tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc, quy trình, trách nhiệm trong thỏa thuận giữa hai bên.

Trước đây, theo quy định của Thông tư 315 và Thông tư 131, KBNN được mở tài khoản chuyên thu tại cả NHTM đã kết nối thanh toán song phương điện tử và NHTM chưa kết nối thanh toán song phương điện tử với KBNN. Mặc dù việc phối hợp thu NSNN thông qua tài khoản chuyên thu của KBNN mở tại các NHTM chưa kết nối thanh toán song phương điện tử với KBNN có thể triển khai ngay, song lại có một số hạn chế như: Thông tin trao đổi giữa KBNN và NHTM không kịp thời và chưa đáp ứng được yêu cầu trao đổi dữ liệu thu ngân sách theo thời gian thực; khó khăn trong việc kiểm soát chặt chẽ quá trình chuyển tiền từ tài khoản chuyên thu về TW của các NHTM (các NHTM có thể thông báo chậm cho KBNN số phát sinh thu để chậm chuyển tiền về TW); việc đối chiếu thủ công giữa KBNN và NHTM không hiệu quả. Vì vậy, theo quy định mới của Thông tư 58, một trong các tiêu chí lựa chọn hệ thống NHTM mới để mở tài khoản chuyên thu là hệ thống NHTM đó có khả năng đáp ứng yêu cầu triển khai thanh toán song phương điện tử của KBNN; đảm bảo được việc kết chuyển toàn bộ số dư về trung ương ngay trong ngày làm việc.

Bổ sung quy định về tài khoản chuyên thu tổng hợp của KBNN trung ương mở tại trụ sở chính của NHTM, áp dụng đối với các hệ thống NHTM chỉ thực hiện chuyên thu NSNN; không thực hiện chi NSNN. Tài khoản này được sử dụng để tập trung số dư trên các tài khoản chuyên thu của KBNN cấp tỉnh, KBNN cấp huyện tại cùng hệ thống NHTM.

Bãi bỏ quy định Tổng Giám đốc KBNN xem xét, quyết định việc lựa chọn mở thêm tài khoản thanh toán tại hệ thống NHTM khác ngoài các hệ thống NHTM mà KBNN hiện đang mở tài khoản. Theo đó, kể từ ngày Thông tư 58 có hiệu lực thi hành, KBNN không mở tài khoản thanh toán (bằng VND và bằng ngoại tệ) tại hệ thống NHTM mới ngoài 05 hệ thống NHTM nơi KBNN hiện đang mở tài khoản thanh toán là Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank và MB.

Bên cạnh đó, Thông tư 58 cũng quy định các nội dung chủ yếu của thỏa thuận về quy trình tổ chức phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử giữa KBNN với hệ thống NHTM nơi KBNN mở tài khoản nhằm tăng cường minh bạch và tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện.

Nhìn chung, việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 58 có thể coi là một bước tiến mới, đưa công tác quản lý và sử dụng tài khoản của KBNN tại ngân hàng nói riêng và công tác QLNQ nói chung tiến sát với các thông lệ tiên tiến trên thế giới; đồng thời, cùng với NHNN trong việc phối hợp điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; đồng thời, cũng. Với việc triển khai thực hiện các quy định tại Thông tư 58, tài khoản thanh toán tập trung của KBNN sẽ ngày càng hoàn thiện, tạo cơ sở để cải thiện chất lượng công tác dự báo luồng tiền, tối ưu hóa việc sử dụng các khoản ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi; qua đó, nâng cao hiệu quả quản lý ngân quỹ quốc gia hơn nữa trong thời gian tới.