Quy định mới về giấy đi đường ở Hà Nội: Dân xếp hàng dài, chính quyền lúng túng

0:00 / 0:00
0:00
Là xe miễn kiểm tra, nhưng sáng qua tại chốt Yên Lãng (Hai Bà Trưng), CSGT đã dừng kiểm tra giấy đi đường xe chở hàng
Là xe miễn kiểm tra, nhưng sáng qua tại chốt Yên Lãng (Hai Bà Trưng), CSGT đã dừng kiểm tra giấy đi đường xe chở hàng
TP - Ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện quy định mới của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc giấy đi đường phải có xác nhận của chính quyền phường, xã, cùng với ùn tắc trên đường, người dân cũng tập trung đến trụ sở phường, xã xin xác nhận khiến chính quyền lúng túng.

Người dân “bất ngờ”

Sáng 9/8, tại chốt trực trên đường Bạch Đằng (lối duy nhất còn lại để đi vào trung tâm phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng), thay vì chỉ trình 2 loại giấy tờ gồm giấy đi đường và chứng minh nhân dân như mọi ngày, nhiều người có việc phải ra đường bị bất ngờ khi lực lượng làm nhiệm vụ tại đây yêu cầu phải có lịch làm việc, phân công nhiệm vụ của cơ quan và có xác nhận của chính quyền phường, xã.

Ghi nhận tại đây thời điểm 8h30 sáng qua, không chỉ ô tô, xe máy của người dân bị chặn lại để hỏi các giấy tờ và lịch trực làm việc mà xe tải chở hàng có treo giấy “luồng xanh” (miễn kiểm tra trên đường) cũng bị chốt trực tại đây dừng lại.

Nhiều tài xế chở hàng từ cảng Hà Nội qua đây bức xúc vì tài xế đã chấp hành đủ các thủ tục để có được hai giấy phép theo quy định lưu thông trên đường là “luồng xanh” và xét nghiệp PCR âm tính, nhưng đến một số chốt tại quận Hai Bà Trưng vẫn bị dừng kiểm tra. “Việc này quá vô lý và đang đi ngược chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế trong việc tạo luồng xanh cho xe chở hàng”, một tài xế tại chốt Bạch Đằng nói.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện lãnh đạo một quận trên địa bàn thành phố cho biết, vừa qua, việc cấp Giấy đi đường do các Cty, đơn vị chủ động tự triển khai, chính quyền quản lý hậu kiểm nên rất khó để xác minh. Khi chuyển sang chính quyền phê duyệt các Giấy đi đường, chỉ những trường hợp được chính quyền đồng ý mới được ra đường. Vị này cũng cho rằng, chính quyền cơ sở cấp phường sẽ chịu áp lực rất lớn, khối lượng công việc nhiều, tuy nhiên, sẽ cố gắng hoàn thiện nhanh nhất có thể.

Tại chốt trực ở cửa khẩu Tây Kết - Vân Đồn (phường Bạch Đằng), cửa khẩu Yên Lãng (phương Thanh Lương), quận Hai Bà Trưng… thay vì chỉ kiểm tra xe máy, ô tô, lực lượng làm nhiệm vụ gồm CSGT, Công an, trật tự phường cũng dừng kiểm tra cả xe chở hàng có giấy “Luồng xanh”.

Các tài xế bị kiểm tra tại đây cho biết, xe họ chở hàng di chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác, không cố định một phường hay quận nào thì biết xin xác nhận ở đâu.

Tại rất nhiều chốt trên địa bàn Hà Nội trong sáng 9/8, lực lượng làm nhiệm vụ gồm CSGT, Công an, trật tự cũng yêu cầu tất cả xe phải dừng để kiểm tra theo quy định mới của UBND thành phố Hà Nội.

Do trình bày là ngày đầu có thông tin, hơn nữa quy định được đưa ra vào ngày nghỉ nên nhiều người không chuẩn bị kịp, một số chốt trực chỉ kiểm tra, nhắc nhở rồi cho đi, nhưng yêu cầu: “Nếu hôm nay (10/8) không có xác nhận của phường sẽ bị quay đầu xe, thậm chí xử phạt”.

Chính quyền lúng túng

Tại UBND phường Hoàng Liệt, thời điểm 15h hôm qua, PV Tiền Phong ghi nhận, thành phố đang thực hiện giãn cách nhưng trong không gian khoảng 50m2 của phòng giải quyết thủ tục một cửa, chật kín người đứng ngồi để chờ được xin giấy xác nhận đi đường, các hàng ghế bố trí sát nhau không còn chỗ trống. Nhiều người đến sau không còn chỗ đứng ngồi đã ra hành lang và sân trụ sở đứng chờ. Nhiều người đã phải đi về.

Tình trạng này cũng được ghi nhận tại các phường khác của Hà Nội, thậm chí nhiều phường bảo vệ đã phải đóng cổng trụ sở để giảm người vào tập trung. Ông Vũ Hồng Sơn, Chủ tịch UBND phường Láng Hạ cho biết, cơ quan ông đã thực hiện việc ký xác nhận giấy đi đường cho người dân từ sáng, tuy nhiên sang đến buổi chiều do lượng người đến xin quá đông nên ông đã phân công 2 phó chủ tịch phường ngồi ký giấy.

Tại phường Đức Giang, quận Long Biên, từ sáng sớm đại diện nhiều cơ quan làm việc trên địa bàn đã đến xin xác nhận giấy đi đường, nhưng cán bộ tiếp dân ở đây rất lúng túng. Thậm chí, có cán bộ tại phường Đức Giang còn nói người dân phải đi xin xác nhận của bên y tế trước, sau đó phường mới nhác nhận. Ý kiến này đã bị nhiều người phản đối vì thông báo của thành phố chỉ nói xin xác nhận của phường, không phải xin xác nhận của y tế.

Tại một số phường trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, người dân cũng phải xếp hàng chờ, thậm chí chạy đi chạy lại vài lần mới hoàn thiện xong thủ tục.

Tại UBND phường Thanh Nhàn, chia sẻ với phóng viên, một đại diện Cty cho biết, phải chuẩn bị đầy đủ thủ tục, gồm nhiều giấy tờ như kế hoạch, phương án phòng chống dịch COVID-19 của đơn vị, lịch trực cơ quan, giấy đi đường theo đúng mẫu của thành phố quy định.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên địa bàn phường Lê Đại Hành, phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng).

Tại UBND phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), ngày 9/8 cũng có khá đông người dân xếp hàng chờ tới lượt xác nhận Giấy đi đường. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Đỗ Ngọc Anh, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa cho biết, việc thực hiện xác nhận Giấy đi đường khiến chính quyền cơ sở gặp khá nhiều khó khăn.

“Tất nhiên, khó khăn này là khó khăn chung chứ cũng không phải ở riêng nơi nào”, ông Đỗ Ngọc Anh nói. Theo ông Ngọc Anh, việc này cần áp dụng công nghệ thông tin, các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp gửi hồ sơ trực tuyến cho phường, phường sẽ thẩm định, xác nhận để tránh tập trung đông người, gây quá tải cho chính quyền, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân, nguy cơ lây lan dịch bệnh.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.