Theo đó, ý nghĩa đèn vàng được nêu rõ: “Báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn từ xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “vạch dừng xe”. Nếu không có vạch sơn thì phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau”.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một đại diện Tổng cục Đường bộ (cơ quan soạn thảo quy chuẩn trên) cho hay: Quy định như trên cho phép người điều khiển phương tiện được phép đi trong trường hợp dừng lại sẽ gây nguy hiểm cho bản thân họ và người đi sau (xe phía sau đâm vào phía sau xe của người dừng trước đèn vàng đột ngột). Tuy nhiên, vị này cũng không chính thức công khai khẳng định việc xử phạt hành vi vượt đèn vàng của CSGT hiện nay là đúng hay sai.
Trước đó, như Tiền Phong thông tin, từ ngày 1/8/2016, Cục CSGT bắt đầu xử phạt hành vi vượt đèn vàng. Quy định này gây tranh cãi gay gắt trong dư luận và giới chuyên gia. Trong đó, Tiến sỹ Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, việc xử phạt người điều khiển phương tiện vượt đèn vàng là không đảm bảo tính khoa học.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục CSGT vẫn giữ quan điểm việc xử phạt hành vi vượt đèn vàng là cần thiết và đã tiến hành xử phạt. Trong cuộc họp Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đề nghị xem xét, trả lời thấu đáo về quyết định xử phạt hành vi vượt đèn vàng. Đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức về nội dung này.
Ngoài tín hiệu đèn vàng, quy chuẩn đưa ra nhiều nội dung mới như: Biển báo cấm rẽ trái, vẫn được phép quay đầu xe; định nghĩa mới về lỗi vượt phải (trong đó nêu rõ: đường một chiều có từ hai làn đường trở lên thì người điều khiển không bị bắt lỗi vượt phải); xe bán tải được coi là xe con (không bị áp dụng các quy định khi tham gia giao thông như xe tải).