Quy định mới, đất tách thửa ở Hà Nội phải có một mặt tiếp giáp đường giao thông

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Từ ngày 4/6, Hà Nội quy định điều kiện, tiêu chí để tách thửa là khu đất phải liền thửa, không bị chia cắt; có vị trí ít nhất một mặt tiếp giáp với tuyến đường hiện có, hoặc tuyến đường theo quy hoạch.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 11/2017 về một số nội dung thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn thành phố. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 04/6/2022.

Tại quyết định vừa ban hành, UBND TP Hà Nội bổ sung một số nội dung Điều 8a về một số nội dung thực hiện đối với dự án sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Quy định mới, đất tách thửa ở Hà Nội phải có một mặt tiếp giáp đường giao thông ảnh 1

Từ ngày 4/6, Hà Nội quy định điều kiện, tiêu chí để tách thửa là khu đất phải liền thửa, không bị chia cắt; có vị trí ít nhất một mặt tiếp giáp với tuyến đường hiện có, hoặc tuyến đường theo quy hoạch.

Theo đó, điều kiện, tiêu chí để tách thửa là khu đất phải liền thửa, không bị chia cắt; có vị trí ít nhất một mặt tiếp giáp với tuyến đường hiện có, hoặc tuyến đường theo quy hoạch, có khả năng kết nối với hạ tầng kỹ thuật chung khu vực. Có kích thước các cạnh của thửa đất từ 10m trở lên (đối với đất thương mại, dịch vụ và đất khác) hoặc 20m trở lên (đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp).

Cùng với đó, phải có diện tích nằm ngoài chỉ giới đường đỏ tối thiểu từ 200 m2 trở lên (đối với đất thương mại, dịch vụ và đất khác) hoặc 400 m2 trở lên (đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp) và chiếm từ 10% trở lên so với diện tích khu đất thực hiện dự án.

Quyết định này cũng sửa đổi Điều 4 về việc lập danh mục các công trình, dự án thu hồi đất; danh mục các công trình, dự án sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào mục đích khác; kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.

Theo đó, UBND cấp huyện được giao căn cứ kế hoạch sử dụng đất của thành phố 5 năm 2021 - 2025 và các kỳ tiếp theo; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 và các quy định hiện hành, định kỳ tháng 5 và tháng 9 hàng năm lập danh mục các dự án phải thu hồi đất; lập danh mục các dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào mục đích khác, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, trình UBND TP báo cáo HĐND tại kỳ họp giữa năm và cuối năm.

Đồng thời, UBND cấp huyện tổ chức xác định quy mô, địa điểm công trình, dự án sử dụng đất để lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện theo quy định, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND TP phê duyệt theo quy định.

Đối với dự án nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất: Hằng quý, trên cơ sở nhu cầu sử dụng đất cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, văn bản đề nghị của tổ chức thực hiện theo hình thức nhận chuyển nhượng, quy mô của dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND cấp huyện tổ chức rà soát nguồn gốc, hiện trạng sử dụng đất.

Đánh giá sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, sự phù hợp quy hoạch xây dựng, trình UBND thành phố phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm để làm căn cứ thực hiện thủ tục nhận chuyển nhượng theo quy trình và quy định.

Thời gian qua, tại nhiều khu vực vùng ven Hà Nội như Thị xã Sơn Tây, Thạch Thất,.. nở rộ tình trạng một số cá nhân, nhà đầu tư nhỏ lẻ mua gom đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất vườn… của người dân rồi tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở, sau đó tách thửa, phân lô bán nền rầm rộ.

Trước thực trạng này, hồi tháng 3/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với thửa đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất; thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.

Chỉ tiết tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất đối với thửa đất ở (toàn bộ diện tích thửa đất là đất ở) đảm bảo điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát, báo cáo về việc phân lô, chia tách thửa đất, san hạ đất để xây dựng hạ tầng từ ngày 01/01/2017 đến hết ngày 31/01/2022 đối với các thửa đất có diện tích lớn hơn 500 m2 (gồm: thửa đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất), đã được UBND cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Kiểm tra, rà soát, báo cáo về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất; đồng thời căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, hoặc quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và điều kiện cụ thể tại địa phương để đề xuất, kiến nghị cụ thể về Điều kiện thửa đất, điều kiện hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất tại địa phương…

MỚI - NÓNG