Quỹ bảo hiểm xã hội đang phải bù lớn cho người về hưu

Hiện Quỹ BHXH đang phải bao cấp cho quỹ hưu trí Ảnh minh hỌA
Hiện Quỹ BHXH đang phải bao cấp cho quỹ hưu trí Ảnh minh hỌA
Trước đây, hệ thống quỹ hưu trí được Nhà nước bao cấp, từ năm 1995 tới nay, Nhà nước không còn bao cấp quỹ hưu trí nữa, hướng tới theo nguyên tắc đóng – hưởng. Trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay, Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) vẫn tiếp tục cấp bù cho người về hưu.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội tại kỳ họp vừa kết thúc về phương án tăng tuổi nghỉ hưu trong Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết, chế độ hưu trí chính thức bắt đầu từ Nghị định 218/1961 của Chính phủ, đến nay đã gần 60 năm. Suốt thời gian đó, tuổi thọ của người Việt đã tăng từ 59,04 tuổi năm 1960 lên 76,05 tuổi hiện nay. Sau đó, từ năm 1995, khi BHXH Việt Nam được thành lập trên cơ sở sự đóng góp của người lao động và bảo lãnh của Nhà nước. Trước đây, hệ thống quỹ hưu trí được Nhà nước bao cấp, nay Nhà nước không bao cấp quỹ hưu trí nhưng Quỹ BHXH vẫn tiếp tục bao cấp. Đại biểu Nhưỡng dẫn chứng, một người 55 tuổi về hưu, nếu có 20 năm đóng BHXH, trung bình mỗi năm đóng 4 tháng thì tổng cộng có 80 tháng tiền lương. Nếu kỳ vọng bình quân sống 21 năm sau tuổi nghỉ hưu (tức sống 76 tuổi) thì thời gian hưởng lương hưu là 252 tháng, tương đương 189 tháng lương tính đóng BHXH. Như vậy, đóng 80 tháng lương mà được hưởng 189 tháng, nghĩa là Quỹ BHXH phải bù 89 tháng… “Số tiền bù đó lấy ở đâu? Hiện Nhà nước không bù, mà số tiền lấy của người đang đóng để bù cho người đang hưởng lương hưu nên áp lực với quỹ hưu trí vô cùng lớn. Họ (các tổ chức quốc tế - PV) khuyên chúng ta chuyển sang chế độ tài khoản cá nhân thì việc kéo dài thời gian đóng, nâng trần tuổi hưu là chính đáng”, ông Nhưỡng nói.

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu này đã trao đổi nhiều năm và lần này trong Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi cần xem xét việc tăng tuổi nghỉ hưu một cách cẩn trọng. Theo phương án 1, ông Sơn cho rằng đã đáp ứng được yêu cầu, nhưng cần quan tâm phân ra nhóm ngành nghề tăng tuổi hưu. “Chúng ta không nên giới hạn cho nghỉ hưu sớm trước 5 tuổi, mà có thể 5 - 10 tuổi với từng ngành nghề cụ thể. Có những ngành nghề chúng ta có thể tăng thêm thời gian làm việc không chỉ 5 tuổi, mà có thể 5 - 7 tuổi, cần có danh mục Quốc hội thảo luận, xem xét. Đây không chỉ là trách nhiệm của ngành BHXH mà trách nhiệm của xã hội, của mọi người tham gia trong quỹ bảo hiểm này”, ông Sơn nói.

Trước đó, ngày 23/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Nghị quyết nêu rõ: “Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung”. Cụ thể hóa các nội dung trên, tại Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra 2 phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 tuổi, nữ lên 60 tuổi. Cùng đó, với những ngành nghề độc hại được nghỉ hưu sớm trước 5 năm, và lao động khoa học kỹ thuật được nghỉ muộn hơn 5 năm.

Phương án 1: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu chung là đủ 60 tuổi 3 tháng với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ, cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu chung là đủ 60 tuổi 4 tháng với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng với nam và 6 tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

MỚI - NÓNG