Quốc vương Tư Tề và ngôi mộ ẩn tích 550 năm

Tác giả trước ngôi mộ cụ bà, vợ Lê Tư Tề
Tác giả trước ngôi mộ cụ bà, vợ Lê Tư Tề
TP - Quốc vương Tư Tề, tên húy là Lê Hữu Lang, sinh năm Tân Tỵ 1401, tại Thọ Xuân, Thanh Hóa, là con trưởng của vua Lê Thái Tổ và bà Trịnh Thị Ngọc Lữ. Tại hội thề Lũng Nhai, 1416, chắc chắn tiểu tướng mười lăm tuổi Lê Tư Tề cũng có mặt cùng cha Lê Lợi và các anh hùng Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa.

Từ đó đến hội thề Đông Quan, hơn mười năm nằm gai nếm mật, đánh đuổi giặc Ngô ra khỏi bờ cõi, Lê Tư Tề luôn sát cánh cùng các tướng lĩnh Lam Sơn trải qua trận mạc. “Năm Đinh Mùi, 1427, Bình Định vương Lê Lợi gia phong Thị trung Tư Tề làm Tư đồ… Năm Mậu Thân, 1428, Vua sai Tư đồ Tư Tề và Lưu Nhân Chú vào thành Đông Quan làm con tin với quân Minh…” (Đại Việt sử ký toàn thư - ĐVSKTT).

Về võ công, nếu như danh tướng Trần Nguyên Hãn được phong Tả Tướng quốc, thì  chức Hữu Tướng quốc cũng rất xứng đáng với Lê Tư Tề. Uy tín và vai trò của Tư Tề sau ngày Lê Lợi dời dinh Bồ Đề vào tiếp quản thành Đông Quan ngày càng cao. “Năm Thuận thiên thứ 2, 1429, ngày 7, sai Nhập nội kiểm hiệu bình chương Lê Vấn, Nhập nội đại tư mã Lê Ngân, Nhập nội thiếu phó Lê Văn Ninh mang kim sách lập Hữu Tướng quốc Khai quận công Tư Tề làm Quốc vương, giúp coi việc nước, (ĐVSKTT)”.

Vậy mà chỉ trong ba năm, từ 1430 đến 1433, số phận của Lê Tư Tề đã quay ngoắt một trăm tám mươi độ. “Năm Quý Sửu, Thuận thiên thứ sáu, 1433, mùa thu tháng 8, giáng con trưởng Tư Tề làm Quận vương, lấy con thứ Nguyên Long kế thừa tông thống. Ngày 22 tháng 8, Vua băng ở chính tẩm” (ĐVSKTT). Kết cục, ông con trai trưởng 32 tuổi từng kinh qua trận mạc, từng học chữ thánh hiền, từng được các văn thần như Nguyễn Trãi, Bùi Quốc Hưng, Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn, Phan Thiên Tích…, các võ tướng Bắc Hà: Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Lưu Nhân Chú… rèn cặp, phụ giúp để nối nghiệp lớn của người cha vĩ đại, lại bị giáng chức, còn cậu bé Lê Nguyên Long mười một tuổi, đang tuổi chơi bời lại được lên làm vua, lấy hiệu là Lê Thái Tông.

Nguyên do những thay đổi cuối đời của vua Lê Thái Tổ, mà việc cuối cùng trước khi ngài mất là phế trưởng lập thứ, sử sách đã nói nhiều. Tính đa nghi của bậc quân vương; triều đình phân rẽ; phe Lam Sơn công thần lộng quyền, phe Bắc Hà bị nghi kỵ; Trần Nguyên Hãn cáo quan về quê vẫn không tránh khỏi bị chết, Phạm Văn Xảo, Lưu Nhân Chú bị hãm hại, Nguyễn Trãi bị vào nhà lao… Trong bối cảnh ấy, câu chuyện ân nghĩa, lời hứa với thần linh, với người vợ hiến tế cho thần Hà Bá trên sông Khả Lam trong cuộc vây hãm của giặc Minh, đã làm Lê Lợi thay đổi ý định về người kế nghiệp.

 Số là, vào năm 1425, khi nghĩa quân Lam Sơn chuyển hướng đánh vào Nghệ An, một đêm Lê Lợi mơ thấy thần sông hiện lên bảo rằng, nếu vương hiến cho thần một người thiếp, thần sẽ giúp vương đánh bại giặc Ngô, lập nên đại nghiệp. Tỉnh dậy, Lê Lợi đem chuyện báo mộng này nói với quần thần. Bà vợ hai Phạm Thị Ngọc Trần, khi ấy còn đang nuôi con trai Lê Nguyên Long ba tuổi, được anh trai và tướng lĩnh Lam Sơn khích lệ, bèn xin với vương được hiến tế cho Hà Bá, với điều kiện sau này vương lên làm vua sẽ cho con nàng được kế nghiệp ngôi báu.

Lễ hiến tế được tiến hành, nàng Phạm Thị nằm trên bè chuối giữa ngàn hoa trắng chìm dần xuống sông Lam… Và trận ấy nghĩa quân Lam Sơn thắng lớn, thế như chẻ tre tiến về phương Nam thu phục một vùng đất rộng lớn từ Nghệ An vào tới Thuận Hóa, làm bàn đạp tiến ra Bắc năm sau.

Lời nguyền mười năm trước, lại bị phe công thần Lam Sơn như Lê Vận, Lê Thận, Lê Sát, Lê Ngân… gây áp lực, khiến trước khi nhắm mắt, Lê Lợi không thể làm khác.

Ngay tháng đầu tiên lên ngôi vua, (tháng giêng, 1434), Lê Thái Tông đã có lệnh: “Ngày 28 ra lệnh chỉ cho đại thần và các quan rằng: “Từ nay về sau không ai được lui tới chỗ ở của Quận vương. Quận vương nếu không có người đến gọi thì không được vào chầu. Kẻ nào lén lút dẫn vào, hoặc người coi cửa cho vào, cùng các quan nào lén lút đến nhà Quận vương đều bị trị tội nặng” (ĐVSKTT). Ông vua em trẻ con mười một tuổi mà đối xử với ông anh trai đại tướng 32 tuổi như thế thì ông anh chỉ có nước chui xuống đất (!) Lê Tư Tề bi phẫn, “tài cao phận thấp trí khí uất”, không điên, không nổi loạn (như Lê Nghi Dân sau này) là may. Cùng quẫn, lún chìm vào rượu chè, buông thả.Vậy mà vẫn chưa yên. Phe Lam Sơn muốn trừ hậu họa, đã gièm pha với vua, để rồi đến năm 1438 (Thiệu Bình năm thứ 5),giáng Quận vương Tư Tề xuống làm thứ nhân (ĐVSKTT).

Từ đây cuộc đời và số phận của Lê Tư Tề cùng con cháu của ông bị xóa khỏi lịch sử, suốt hơn năm trăm năm sau dường như  không ai biết nữa.

* * *

Cho đến một ngày…

Tiến sỹ Lê Văn Nho, trường Đại học Kỹ thuật - Y dược Đà Nẵng, thuộc đời thứ 20 họ Lê làng Lệ Sơn, Hòa Tiến, Hòa Vang, Đã Nẵng, trong cuộc tìm về cội nguồn, phát hiện ra cụ thủy tổ Lê Đại Độ được ghi trong gia phả: “Ngài Lê Đại Độ là thế tổ thứ nhất, nguyên gốc Thần Phù trấn Nghệ An, vào Quảng Nam Dinh  khoảng trước sau năm 1430 -1500, khai lập tộc Lê làng Lệ Sơn. Đến già ngài về Bắc từ trần và an táng tại quê nhà, không rõ mộ phần…”.

 Những dòng chữ trong tộc phả ấy day dứt tâm trí tiến sỹ Lê Văn Nho suốt nhiều năm. Rồi ông tìm ra cụ Lê Đại Độ chính là ngài Lê Đạo (Độ), con trai cụ Lê Trừ, em của Chiêu Trưng vương Lê Khôi, đại danh tướng của nghĩa quân Lam Sơn. Lê Trừ là em Lê Học, anh thứ hai của Lê Lợi. Lê Đạo từng tham gia các cuộc bình Chiêm, có thể vào triều vua Lê Nhân Tông (1446, tiến đánh Thị Nại, Chà Bàn, bắt vua Chiêm Bí Cai), có thể trong cuộc tiễu phạt vĩ đại của vua Lê Thánh Tông năm 1470 -1471, bắt sống Trà Toàn, thu đất Chiêm Thành đặt làm thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa.

Lê Đại Độ đã tham gia các cuộc tiễu phạt ấy, rồi ở lại lập nghiệp tại Quảng Nam, trở thành thủy tổ họ Lê, Lệ Sơn. Lần theo bước chân ngài, tiến sỹ Lê Văn Nho khám phá ra nơi ngài về Bắc mất, chính là Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, Hà Nội ngày nay.

Quốc vương Tư Tề và ngôi mộ ẩn tích 550 năm ảnh 1 Ngôi mộ thủy tổ họ Nguyễn Hữu cũ              
Năm 2016, tiến sỹ Lê Văn Nho kết nối được với ông Nguyễn Hữu Thủy, trưởng họ Nguyễn Hữu, gốc Phù Lưu Tế. Tại nhà thờ Nguyễn Hữu có hai phần phả hệ Lê và Nguyễn Hữu. Phần họ Lê, có thủy tổ Lê Khoáng sinh ra Lê Học, Lê Trừ, Lê Lợi.Lê Trừ sinh ra Lê Đạo, tức Nguyễn Hữu Đạo.

Tại sao Lê Đạo lại cải thành Nguyễn Hữu Đạo? Từ bao đời, họ Nguyễn Hữu ở Phù Lưu Tế truyền rằng mình từ họ Lê cải sang họ Nguyễn Hữu, nhưng không rõ lý do. Năm 2010, ông Nguyễn Hữu Thủy tìm thấy ở nhà thờ họ Lê tại thị trấn Tế Tiêu văn bản về việc cải họ ấy. Bắt đầu từ mộ ông Lê Đạo (Nguyễn Hữu Đạo) ở xứ Chùa Am, bên sông Đáy.

Từ chứng cứ này, tiến sỹ Lê Văn Nho tiếp tục tìm ra văn bản việc Lê Đạo cải họ Nguyễn Hữu là từ Lê Tư Tề. Năm 1438, Tư Tề bị giáng làm dân thường (thứ nhân), buộc phải cải họ Nguyễn Hữu. Sợ bị truy giết, Lê Tư Tề giả điên rồi được thân tín bí mật đưa về sống ẩn dật ở Phù Lưu Tế. Lê Đạo phò Tư Tề, buộc cũng phải đổi theo họ Nguyễn Hữu, lánh nạn theo chủ tướng.

Tại sao Tư Tề và gia quyến lại di về Phù Lưu Tế chứ không phải nơi nào khác? Có lý do vùng ven sông Đáy này nằm trên tuyến thủy đạo từ kinh đô Thăng Long, xuôi cửa Thần Phù về Xứ Thanh. Đây cũng là giao thoa của đường thủy bộ xuyên Việt, từ thời Lý, Trần, đường thiên lý tiễu phạt Chiêm Thành phải qua đây. Lại nữa, quê mẹ và trang ấp của công thần Hương Thượng hầu Bùi Quốc Hưng, một trong mười tám người đầu tiên trong hội thề Lũng Nhai của nghĩa quân Lam Sơn, ở vùng chùa Hương gần đó. Bùi Quốc Hưng vốn cùng với Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn… trong phe ủng hộ Quốc vương Tư Tề.

Sau hơn năm trăm năm, họ Lê làng Lệ Sơn, Hòa Vang, Đã Nẵng đã tìm thấy mộ cụ thủy tổ Lê Đại Độ tại Phù Lưu Tế. Và họ Nguyễn Hữu đã tìm ra mộ thủy tổ ở cánh đồng Thấm làng Phù Lưu Tế, với bia đề: “TỔ ÔNG HỌ NGUYỄN HỮU, MẤT NGÀY 9 THÁNG 9, THỌ 71 TUỔI”. Ngôi mộ tổ ấy, suốt 550 năm không ai nghĩ là mộ Quốc vương Tư Tề.

Quốc vương Tư Tề và ngôi mộ ẩn tích 550 năm ảnh 2 Bia mộ
Năm 2019, cả vùng Tế Tiêu, Phù Lưu Tế mở hội tưng bừng. Con cháu họ Lê từ Quảng Nam, Đà Nẵng ra, cùng với con cháu họ Lê, họ Nguyễn Hữu, Mỹ Đức tổ chức xây cất khu mộ cho Quốc vương Tư Tề và phu nhân (Quận chúa Xuân Hoa Hương) trên nền mộ cũ, vinh danh người anh hùng từng góp phần cùng cha anh làm nên cuộc chiến thắng giặc Minh lẫy lừng trong lịch sử. Mộ tổ ông và mộ tổ bà trên hai khu đất cao, cách nhau vài trăm mét, nằm giữa cánh đồng làng Phù Lưu Tế, cạnh con đường lớn Tế Tiêu – Chợ Bến.

Mới hay, sức sống của nguồn cội.Quốc vương Tư Tề, người anh hùng Lam Sơn, hậu họa của cuộc đua tranh quyền lực, tưởng bị chìm vào quên lãng gần sáu trăm năm, mùa xuân này lại trở về với dòng tộc cháu con với niềm kính yêu, ngưỡng vọng, tự hào. 

1/1/2021

Bia tổ ông ghi:

Phần mộ THỦY TỔ HỮU TƯỚNG QUỐC, QUỐC VƯƠNG TƯ TỀ, HÚY LÊ HỮU LANG, TỰ TRUNG THÀNH PHU QUÂN, nguyên quán Nam Ðiền, Thanh Hóa. Sinh Tân tỵ (1401), Kỵ ngày 03/9 năm Nhâm thìn (1472). Cha: Cao Thái tổ Hoàng đế Lê Lợi. Mẹ: Quốc mẫu Thần phi Trịnh Thị Ngọc Lữ. Em gái: Lê Tần Tố Nữ. Con trai: Tướng công Lê Thường Tư, Lê Khắc Phục, Lê Phúc Ðàm. Con gái: Lê Thị Mai Hoa Tiên Dung công chúa, Lê Thị Xuân Hoa Quế Hoa công chúa.

Chứng thư Bảo Ðại tam niên, 1929 chứng thực năm 1429 cải họ Nguyễn Hữu tộc, Nguyễn Hữu Lang, Nam Ðiền, Ngọc Trùng. Lê Ðường hữu đức, hữu phúc vi thành. Năm 1929 cải Nguyễn Hữu trở lại họ gốc Lê Hữu.

Lê Hữu (Nguyễn Hữu) - Phù Lưu Tế đồng phụng lập. Tháng 11, Mậu Tuất, 2018”.

MỚI - NÓNG