“Quốc võ”

TP - Võ sư Lê Hải Bình - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam Việt Nam cho hay, Vovinam sẽ được đề xuất lên UNESCO để được công nhận là một loại hình văn hóa phi vật thể. 

Nói đến các môn võ là nói đến châu Á, và tại châu Á cũng chỉ có một số quốc gia nổi tiếng về các võ phái: Nhật Bản có judo, karate, Trung Quốc có Thiếu Lâm, Thái Lan có muay, Triều Tiên, Hàn Quốc có taekwondo...

Một thời gian dài, nhiều người trên thế giới cứ nghĩ võ thuật Việt Nam chẳng qua là một phiên bản khác của võ thuật Trung Hoa cho đến khi môn phái Việt Võ Đạo (Vovinam) được biết đến với những đòn thế rất đặc trưng, rất Việt Nam. 

Mặc dù ở nước ta tồn tại nhiều môn phái võ nhưng chỉ đến khi môn phái do võ sư Nguyễn Lộc, người con của đất Sơn Tây, sáng lập sau thời gian dài dày công nghiên cứu, đúc kết để hình thành hệ thống kỹ thuật võ học dựa trên các môn võ và vật cổ truyền Việt Nam, được quảng bá ra thế giới bằng nhiều con đường, người ta mới nhận thấy Việt Nam có một môn võ đặc trưng, độc đáo.

Hôm qua, tại buổi họp mặt Vovinam Quốc tế ở TPHCM, võ sư Lê Hải Bình - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF) nói, Vovinam sẽ được đề xuất lên UNESCO để được công nhận là một loại hình văn hóa phi vật thể. 

Đây có thể xem là một tin tốt lành cho giới võ thuật nước nhà. Cho dù kết quả cuối cùng còn phải chờ, nhưng ít nhất đang có những nỗ lực bảo tồn và quảng bá môn võ nổi tiếng nhất Việt Nam này. Cần phải thừa nhận rằng chúng ta trong nhiều năm qua chưa thực sự muốn hoặc chưa thực sự biết cách thúc đẩy hình ảnh một môn “quốc võ” ra thế giới. 

Mỗi dịp các chi hội võ phái Vovinam quốc tế hội tụ tại đất tổ Việt Nam, mỗi khi chứng kiến những ông Tây bà đầm mặc võ phục xanh đặc trưng của Vovinam mà đánh côn, đi quyền, mà tung người thực hiện những đòn kẹp cổ đặc trưng, rưng rưng xúc động khi được bái đường tại quê hương Vovinam, mới thấy chính chúng ta còn thờ ơ, còn bỏ phí những tinh hoa mà cha ông đã dày công gây dựng, vun đắp. 

Vovinam trong một thời gian dài vẫn tự bươn chải, tự len lỏi, thâm nhập vào đời sống võ học thế giới một cách tự thân, tự phát mà chưa có những đầu tư bài bản, căn cơ từ ngành thể thao, du lịch trong nước. 

Trong khi đó, thế giới lại quá biết đến Thiếu Lâm tự với các nhà sư luyện công, quá quen thuộc với hình anh  muay Thái hay taekwondo tung cước trong đời thực hoặc phim ảnh…

 Người ta đổ xô đến Thái Lan học muay, kéo nhau đến Thiếu Lâm tự để được trực tiếp thọ giáo các sư phụ Thiếu Lâm… Có ai đó nói muay Thái hay võ thuật Thiếu Lâm đang bị thương mại hóa nhưng không thể phủ nhận hiệu quả quảng bá các môn võ này. Đi kèm với võ thuật là hình ảnh của đất nước, văn hóa, lịch sử…

Trong võ thuật, các cao thủ thường nói, không có môn võ nào là vô địch, chỉ có những người giỏi của từng môn phái mà thôi.  Không có đòn thế nào là tuyệt đỉnh công phu, chỉ có người đạt đến tuyệt kỹ trong sử dụng đòn thế. 

Vovinam hoàn toàn có thể sánh ngang với judo, karate hay taekwondo trên thế giới, vấn đề là cách chúng ta trân trọng và phát triển, quảng bá “quốc võ” ấy như thế nào.

MỚI - NÓNG